07:14 08/07/2010

Công thức bí mật của kinh tế Trung Quốc

Dương Lâm

Nhờ chính sách quyết đoán "đánh phủ đầu" bong bóng nhà đất, thị trường địa ốc của Trung Quốc hiện đã ổn định

"Thị trường địa ốc của Trung Quốc hiện đã ổn định" - Ảnh: ChinaDigital.
"Thị trường địa ốc của Trung Quốc hiện đã ổn định" - Ảnh: ChinaDigital.
Tăng trưởng GDP năm 2010 của Trung Quốc có thể đạt 10%. Trong khi một số quốc gia vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc các hệ quả của nó, thì một lần nữa, thách thức của Trung Quốc lại là làm cách nào để kiểm soát sự bùng nổ kinh tế.

Trong bài “Công thức bí mật của kinh tế Trung Quốc” đăng trên trang Project Syndicate, giáo sư kinh tế trường Đại học Bắc Kinh - ông Fan Gang cho rằng, nhờ chính sách quyết đoán "đánh phủ đầu" bong bóng nhà đất, thị trường địa ốc của nước này hiện đã ổn định, và những điều chỉnh hơn nữa sẽ sớm được đưa ra.

Đây là một tin tốt đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, nhưng lại làm thất vọng những ai cho rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép bong bóng này ngày càng phình to hơn nữa, thậm chí cuối cùng dẫn tới sự đổ vỡ.

Liệu những chính sách điều chỉnh địa ốc này có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế hay không, thì còn phụ thuộc vào định nghĩa "việc ảnh hưởng" này như thế nào.

Giá tài sản thấp hơn có thể làm chậm tăng trưởng vốn đầu tư và GDP, nhưng nếu việc giảm tốc độ này từ 11 - 9%, Trung Quốc vừa có thể tránh được tình trạng kinh tế quá nóng, mà còn vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao bền vững.

Quả thực, đối với Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư hàng năm ở mức 37% hiện nay là rất tiêu cực. Mức tăng trưởng lý tưởng nên thấp hơn, giảm xuống 27% trong năm nay.

Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt 30 năm qua mà không hề có bất kỳ biến động hay gián đoạn lớn nào. Ngoại trừ sự suy thoái giai đoạn 1989 - 1990, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn này đạt 9,45%, trong đó đỉnh điểm là 14,2% hồi năm 1994 và 2007, thấp nhất là 7,6% năm 1999.

Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn trong giai đoạn đầu tăng trưởng phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, thì câu chuyện của Trung Quốc có vẻ không bình thường, điều này đã khiến nhiều người đoán già đoán non về "một vụ sụp đổ sắp xảy ra".

Tất cả những dự đoán như vậy đều sai lầm, nhưng nếu câu chuyện này càng kéo dài, thì sẽ càng có nhiều người dự báo một kết cục xấu.

Tuy nhiên, giáo sư Fan Gang cho rằng, không có điều gì bất thường về mô hình tăng trưởng không sứt mẻ của Trung Quốc, ngoài sự can thiệp kinh tế vĩ mô hiệu quả ở những thời kỳ bùng nổ.

Nguyên nhân chính của việc phát triển quá nóng đầu thập niên 1990, là việc các chính quyền địa phương vay mượn quá mức. Tỷ lệ lạm phát tăng tới 21% trong năm 1994, cao nhất trong vòng 30 năm qua, và khoản nợ cấp địa phương chiếm tới 40% tổng tín dụng của khu vực ngân hàng nhà nước vào giữa những năm 1990.

Nguồn gốc gây bất ổn này đã được hạn chế bởi những chính sách thắt chặt tín dụng của chính quyền địa phương kể từ những năm 1990.

Tỷ lệ lạm phát tương đối cao vào đầu những năm 1990 là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ trung ương về các nguy cơ kinh tế vĩ mô do sự tăng trưởng quá nhanh gây ra.

Sự đổ vỡ bong bóng của nền kinh tế Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và các nền kinh tế Đông Nam Á cuối thập kỷ 1990 đã cho thấy một bài học về việc chấm dứt những tin tưởng rằng bong bóng không bao giờ đổ vỡ.

Kể từ đó, quan điểm chính sách của Chính phủ Trung Quốc là kiềm chế nền kinh tế mỗi khi có xu hướng phát triển quá nóng. Các biện pháp nghiêm ngặt được thực thi vào đầu những năm 1990 để giảm việc cung cấp tiền và ngăn chặn sự đầu tư quá mức, nhờ vậy đã chặn đứng vấn nạn lạm phát phi mã.

Trong chu kỳ gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt nền kinh tế vào đầu năm 2004, khi mà Trung Quốc vừa mới trỗi dậy sau cơn suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch SARS hồi năm 2003.

Cuối năm 2007, khi tăng trưởng GDP lên 13%, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách chống bong bóng nghiêm ngặt hơn trong các ngành công nghiệp (ví dụ ngành sắt thép) và thị trường tài sản (như bất động sản).

Các học thuyết kinh tế cho rằng, tất cả các cuộc khủng hoảng xảy ra do các bong bóng đổ vỡ hoặc phát triển quá nóng, vì vậy nếu ngăn chặn được bong bóng, thì có thể ngăn ngừa được khủng hoảng.

Điều quan trọng nhất đối với việc giải quyết vấn đề này, không phải là thực hiện chính sách kích thích kinh tế sau khi sự sụp đổ đã xảy ra, mà là chủ động trong thời kỳ kinh tế bùng nổ và ngăn chặn bong bóng ngay từ lúc còn trứng nước.

Theo giáo sư Fan Gang, hiện chưa chắc chắn liệu tất cả những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có phải là những sinh viên xuất sắc về kinh tế hiện đại hay không.

Nhưng có vẻ như những gì mà họ đang thực hiện tốt hơn những đồng sự ở một số quốc gia khác - quá tập trung vào việc “bãi bỏ quy định”, nhưng lại quá ít dồn sức vào việc hạ nhiệt những dấu hiệu thường xuất hiện mỗi khi kinh tế bùng nổ và bong bóng hình thành.