Công ty con của Tập đoàn Gelex bị xử phạt và truy thu hơn 1 tỷ đồng tiền thuế
Tổng số tiền Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam CAV bị truy thu, phạt và chậm nộp gần 1,71 tỷ đồng tuy nhiên nhờ được giảm khấu trừ còn 1,14 tỷ đồng...
Tổng Cục thuế mới đây ra quyết định xử phạt vi phạm thuế đối với Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam (CAV). Theo đó, CAV đã có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, cộng thêm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định.
Do đó, CAV bị phạt tiền gần 240 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu và khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu.
CAV còn bị truy thu số tiền thuế gần 1,2 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế gần 304 triệu đồng. Tổng số tiền CAV bị truy thu, phạt và chậm nộp gần 1,71 tỷ đồng tuy nhiên nhờ được giảm khấu trừ còn 1,14 tỷ đồng.
CAV là công ty con thiết bị điện của Gelex, bên cạnh THI, HEM, EMIC, trong đó CAV vẫn là doanh nghiệp đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận với mức đóng góp lần lượt 60%-70% doanh thu và lợi nhuận gộp của mảng thiết bị điện, trong khi THI cũng đóng góp tỷ trọng đáng kể từ 10%-15%.
Về tình hình kinh doanh, Cadivi kết thúc quý 3/2023 với lợi nhuận ròng gần 121 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Cadivi lãi sau thuế hơn 312 tỷ đồng, thực hiện được 87% lợi nhuận sau thuế kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông 2023.
SSI Research dự báo doanh thu từ các công ty con thiết bị điện chính bao gồm CAV, THI, HEM và EMIC dự kiến sẽ giảm hơn 6,2% so với cùng kỳ trong năm 2023 do tình hình tài chính của EVN suy giảm và nhu cầu từ kênh dân dụng yếu đi cùng với xu hướng của thị trường bất động sản nhà ở. Biên lợi nhuận của mảng này trong nửa cuối năm 2023 cũng có thể bị ảnh hưởng kém tích cực do giá hàng hóa tăng, nhu cầu yếu có thể khiến các nhà sản xuất khó tăng giá kịp thời.
Theo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm phát triển và vận hành hệ thống truyền tải điện toàn quốc, tổng mức đầu tư cho hệ thống truyền tải trong năm 2023 theo kế hoạch là 13 nghìn tỷ đồng, giảm 21% so với thực tế giải ngân trong năm 2022, lưu ý rằng thực tế giải ngân năm 2022 đạt 81,4% kế hoạch.
Về dài hạn, theo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải dự kiến sẽ tăng đáng kể từ mức trung bình 1 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011-2020 lên 1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2020-2030 và khoảng 1,7-1,9 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2031-2050. Như đã đề cập ở trên, EVN chiếm khoảng 20% doanh thu từ cáp và khoảng 50% doanh thu từ máy biến áp.
Vừa qua, CAV cũng đã thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/11, dự kiến chi trả vào 08/12/2023. Với tỷ lệ thực hiện 20% tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng và gần 57,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CAV sẽ phải chi gần 115 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả này.