Dự kiến Gelex thu lời 1.200 tỷ từ việc thoái vốn khỏi nhà máy điện tái tạo?
Ước tính thương vụ thoái vốn khỏi nhà máy điện tái tạo có thể mang lại cho GEX khoản lợi nhuận tài chính tối đa vào khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm 2024.
SSI Research vừa có báo cáo cập nhật cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex trong đó kỳ vọng năm 2023 doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 31,22 nghìn tỷ đồng giảm 2,7% so với cùng kỳ và 1,81 nghìn tỷ đồng tăng 13,2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ vượt 42% kế hoạch thận trọng của công ty cho năm 2023.
Khu công nghiệp hiện là mảng đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho GEX, sẽ tiếp tục là mảng ghi nhận kết quả hoạt động tốt nhất trong cả năm 2023.
Trong đó, đối với mảng phát điện, năm 2023 kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận gộp từ sản xuất điện sẽ tăng lần lượt 10% và 14%. Công ty đặt mục tiêu đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho mảng điện trong năm 2023.
Năm 2024, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của công ty có thể tăng 11,5% đạt 2 nghìn tỷ đồng, nhờ sự phục hồi của mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng so với mức nền thấp trong năm 2022. Khoản này chưa tính đến lợi nhuận bất thường tiềm năng từ việc thoái vốn khỏi các dự án phát điện hiện tại vào ước tính lợi nhuận năm 2024.
Cụ thể về khoản thoái vốn, trong thời gian tới, việc thoái vốn khỏi nhà máy điện tái tạo hiện tại sẽ mang lại lợi nhuận đột biến đáng kể trong nửa đầu năm 2024. Sembcorp Solar Việt Nam, công ty con của Sembcorp Industries – nhà cung cấp giải pháp năng lượng và đô thị hàng đầu có trụ sở tại Singapore, mới đây đã công bố cổ phần chi phối trong khoảng từ 73% đến 100% ở các dự án năng lượng tái tạo đang hoạt động của GEX với giá trị vốn chủ sở hữu tối đa là 218 triệu SGD, tương đương 3.825 nghìn tỷ đồng.
Với tổng công suất các dự án này là 245 MW, thương vụ này sẽ nâng tổng công suất năng lượng tái tạo của Sembcorp tại Việt Nam lên 450 MW và tổng công suất của tập đoàn lên 12,2 GW trên toàn thế giới.
SSI ước tính thương vụ thoái vốn có thể mang lại cho GEX khoản lợi nhuận tài chính tối đa vào khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm 2024.
Trong 5 năm tới, GEX đang xem xét phát triển các dự án điện gió gần bờ tại tỉnh Sóc Trăng, với tổng công suất dự án là 800 MW và vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. IRR của dự án dự kiến tối thiểu là 12%. Do chi phí đầu tư cho dự án khá lớn, do đó GEX sẽ cân nhắc hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực tài chính và nhiều kinh nghiệm để triển khai dự án.
Với mảng khu công nghiệp, trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ cho cho thuê khoảng 170-200 ha đất khu công nghiệp mỗi năm. Công ty đang tìm cách phát triển các KCN mới tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Khánh Hòa và đặt mục tiêu duy trì diện tích dự trữ ít nhất gấp đôi so với hợp đồng thuê hàng năm.
VGC dự kiến sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 850 ha trong 1-2 năm tới từ các dự án tại Yên Bái, Thái Nguyên và Khánh Hòa với IRR dự kiến ít nhất 20%.
Ngoài ra, GEX cũng đã thành lập liên doanh Titan JV với Fraser Property Vietnam, trong đó GEX nắm giữ 49% cổ phần nhằm phát triển nhà máy và kho bãi tại các KCN ở miền Bắc. Trong thời gian tới, mảng khu công nghiệp có thể tiếp tục được hưởng lợi từ dòng vốn FDI ổn định, nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Với mảng vật liệu xây dựng, dự báo ngành vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục yếu trong quý 4/2023 do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong thời gian tới, động lực tăng trưởng cho mảng này là nhà máy Eurotile, trước đây là nhà máy Bạch Mã và được VGC mua lại vào năm 2021. Dự án đã hoàn thành đổi mới trong năm 2023 và nâng công suất gạch của công ty lên hơn 30% đạt 38 triệu m2.
VGC cũng có kế hoạch triển khai dự án Phú Mỹ 2 với công suất 900 tấn kính nổi/ngày, tương đương khoảng 55% công suất hoạt động. Dự án dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2025, nhưng có thể kéo dài do điều kiện thị trường chưa thuận lợi ở thời điểm hiện tại.