08:03 13/07/2021

CPI 6 tháng thấp nhất trong 5 năm: Không thể chủ quan

Anh Nhi

Mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào 6 tháng đầu năm tăng mạnh theo giá thế giới song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây...

CPI 6 tháng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
CPI 6 tháng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trả lời phỏng vấn VnEconomy về chỉ số  giá tiêu dùng 6 tháng  đầu  năm  2021, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, khẳng định phương pháp tính CPI đang được thực hiện không có gì là bất thường và phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.

Sáu tháng đầu năm, giá cả mặt hàng sắt thép trong nước bật tăng khá mạnh song CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 cho tới nay. Điều này có phải bất thường không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê

Việc tính toán CPI được Tổng cục Thống kê thực hiện theo phương pháp luận quốc tế từ nhiều năm nay. Theo đó, trước khi công bố CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã thực hiện 3 kỳ điều tra giá nhằm thu thập số liệu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Hiện nay, rổ tính CPI gồm 11 nhóm hàng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu với danh mục 752 mặt hàng. Do đó, một mặt hàng tăng giá không thể quyết định tới xu hướng biến động của cả chỉ số CPI. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, dù giá sắt thép tăng cao trong những tháng qua, nhưng do quyền số của sắt thép trong rổ CPI chỉ chiếm 0,4% nên chỉ làm CPI tăng khoảng 0,07 điểm phần trăm.

Hơn nữa, theo cách tính của quốc tế, những sửa chữa nhỏ liên quan tới bảo dưỡng nhà ở mới được tính vào CPI trong khi những sửa chữa lớn, làm thay đổi cấu trúc công trình lại không được tính vào CPI. Do đó, dù giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng đầu năm đã tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt thép, cát sỏi… tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, thì cũng chỉ làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

CPI 6 tháng thấp nhất trong 5 năm: Không thể chủ quan  - Ảnh 1

CPI hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 cho tới nay. Điều này có nghĩa áp lực lạm phát năm nay sẽ không lớn, thưa bà?

CPI tháng 1/2021 giảm 0,97% nhưng tính chung quý 1/2021 vẫn tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý 2/2021, CPI tiếp tục tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực vẫn tăng mạnh, do đó, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%. Đây là mức tăng 6 tháng cao nhất từ năm 2013. Đây là chỉ báo rất quan trọng để theo dõi CPI những tháng cuối năm.

Giá dầu Brent thế giới đang được giao dịch ở mức 75 USD/thùng. Nếu mức giá này tiếp tục được duy trì tới cuối năm, giá dầu bình quân tăng khoảng 70% so với năm 2020. Điều này sẽ tác động tới xăng dầu trong nước và có thể làm CPI tăng 1,4 điểm phần trăm so với năm 2020.

Tính tới thời điểm hiện tại, qua 10 lần điều chỉnh, giá xăng dầu trong nước 6 tháng qua đã tăng 17%, tác động làm CPI tăng 0,61 điểm phần trăm.

Ngoài giá dầu, giá mặt hàng nguyên liệu từ sắt thép cũng tăng liên tục. Từ đầu năm tới nay, Việt Nam nhập khẩu 3,4 triệu tấn phế liệu sắt thép, tương ứng 1,4 tỷ USD, nghĩa là tăng 32% về lượng và tăng 115,8% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu sắt thép cũng tăng 4% về lượng nhưng tăng tới 40,8% về kim ngạch so với cùng kỳ. Điều này cho thấy giá sắt thép và nguyên liệu đầu vào đang tăng rất mạnh.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm mặt hàng này cũng tăng 30% trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù tăng mạnh nhưng như trên đã nói, đà tăng giá của sắt thép tác động trực tiếp tới CPI không mạnh bởi quyền số của nhóm hàng này trong CPI chỉ chiếm 0,4% trong tổng tiêu dùng chi tiêu của hộ gia đình nhưng lại có tác động gián tiếp, tác động tới chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó kéo theo đà tăng của một số nhóm hàng khác.

Vì vậy, đối với mặt hàng quan trọng như sắt thép, Tổng cục Thống kê cho rằng cần tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên sản xuất trong nước, hạn chế hoạt động đầu cơ, thao túng giá để không ảnh hưởng tiến độ thi công công trình và đầu tư công - động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, đối với hoạt động nông nghiệp, nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm cũng tăng khá mạnh, khoảng 15,26% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Trung Quốc tăng cường thu mua thức ăn chăn nuôi làm giá nhập khẩu tăng cao.

Trong khi đó, hơn 80% nguồn thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được nhập khẩu từ bên ngoài nên cần có biện pháp ổn định giá để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Theo đó, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nên tối ưu hóa, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế cho nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất.

CPI 6 tháng thấp nhất trong 5 năm: Không thể chủ quan  - Ảnh 2

Với áp lực như vậy, theo bà, lạm phát có “trượt” khỏi mục tiêu như Quốc hội đề ra không?

CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Cùng với đà tăng giá của một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, áp lực tăng giá còn đến từ việc các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế và việc điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay. Do đó, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát.

Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp; liên Bộ Công Thương - Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

Quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin là mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.