07:00 11/07/2023

CPI hạ nhiệt, giá bán giảm nhưng sức mua vẫn chưa cải thiện

Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần qua các tháng, đà tăng của một số mặt hàng thiết yếu cũng giảm theo biến động của giá thế giới. Tuy nhiên, sức mua đang giảm sút, nhiều đơn vị thu hẹp mặt bằng kinh doanh. Dù liên tiếp các đợt khuyến mãi được tung ra để kích cầu nhưng sức mua vẫn chậm cải thiện so với kỳ vọng...

Trên thị trường mặc dù liên tục có các đợt khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo hàng hóa, song sức mua cũng không tăng trưởng nhiều.
Trên thị trường mặc dù liên tục có các đợt khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo hàng hóa, song sức mua cũng không tăng trưởng nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2023 CPI tăng bình quân 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức bình quân chung.

GIÁ CẢ HẠ NHIỆT DẦN TỪNG THÁNG

Qua diễn biến tình hình 6 tháng cho thấy chỉ số giá có xu hướng giảm dần: tháng 1/2023 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,55%, tháng 4 tăng 2,81% và tháng 5 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do giá xăng dầu giảm theo giá thế giới, xăng dầu giảm 5,18% trong tháng 2 và giảm mạnh 8,94% trong tháng 5. Bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá dầu hỏa giảm 8,94% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới. Giá gas trong nước giảm 9,99% theo giá thế giới.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm làm cho CPI tăng đó là chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp lễ, Tết. Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) áp dụng từ ngày 4/5/2023...

Như vậy, giá cả nửa đầu năm có xu hướng giảm nhiều hơn tăng, nhất là xu hướng giảm của những mặt hàng là đầu vào của toàn xã hội, nếu giá cả tiếp tục diễn biến theo chiều hướng của 6 tháng qua sẽ có lợi cho tiêu dùng và sản xuất trong nước.

 
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

"Mặt khác, nói đến giá cả không thể không nói đến bán lẻ, đồng thời tiêu dùng là một trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Nếu kích thích được tiêu dùng tăng doanh số bán lẻ sẽ có lợi cho vòng 2 của sản xuất, khi sản xuất phát triển sẽ phát sinh thu nhập và sức mua xã hội, đó là một vòng tuần hoàn tất yếu đem lại lợi thế trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế của đất nước".

Phân tích sâu hơn về lĩnh vực này, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9%. Đó là một con số đáng khích lệ trong điều kiện còn nhiều khó khăn để khai thác tối đa sức mua của thị trường.

CPI hạ nhiệt, giá bán giảm nhưng sức mua vẫn chưa cải thiện - Ảnh 1

Theo chiến lược phát triển bán lẻ của Bộ Công Thương đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, bán lẻ Việt Nam phải đạt được mức tăng trưởng bình quân từ 13 - 14%/năm.

Do đó, trong giai đoạn tới cần phải khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và những cản trở cho sự tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực này.

SỨC MUA CÓ DẤU HIỆU GIẢM SÚT DO NHIỀU YẾU TỐ

Quan sát trên thị trường hiện nay cho thấy nhiều siêu thị, đặc biệt là các trung tâm thương mại và các diện tích kinh doanh dịch vụ, các cửa hàng nhỏ của tư nhân bị thu hẹp, trống vắng khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Tại kênh truyền thống, doanh số bán hàng giảm mạnh, chợ có ít người vào mua hàng hơn so với mấy năm trước đây, do sức cạnh tranh yếu hơn bán lẻ hiện đại, ít được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức quản lý, mặc dù chợ đảm nhiệm đến 80% các mặt hàng thiết yếu, tươi sống cho tiêu dùng.

Về cơ cấu tiêu dùng, do thu nhập còn tiếp tục khó khăn trong các tầng lớp dân cư nên các gia đình chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu hàng ngày, dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung.

Trên thị trường mặc dù liên tục có các đợt khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo hàng hóa, song sức mua cũng không tăng trưởng được nhiều so với trước khuyến mại. Đó là thực trạng của hệ thống phân phối của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay.

 

Đáng lưu ý, hàng hóa của Việt Nam khi thực hiện việc mua bán qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 – 40%, có khi tăng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý và tình trạng này kéo dài nhiều năm chưa giải quyết, đây cũng là một “nút thắt”, làm cho sức mua bị ảnh hưởng lớn.

Doanh số bán lẻ chung còn bị kìm hãm bởi vì trên thị trường còn tồn tại hàng rởm, hàng giả, vừa vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, vừa làm ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa có chất lượng, làm cho sức mua cũng bị hạn chế.

Điều này gây tâm lý lo ngại trong việc mua hàng của từng gia đình.

Về lâu dài, ở góc độ sản xuất, do công nghiệp chế biến còn thấp, nên giá trị tăng thêm bị hạn chế, doanh số của một đơn vị hàng hóa không tăng lên được là bao.

Ví dụ cụ thể ở thị trường hoa quả năm nay, vải thiều Bắc Giang có hạt chỉ bán được bình quân 20-25 nghìn đồng/kg, trong khi đó vải thiều không hạt ở Thanh Hóa được đầu tư khoa học kỹ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo tiếp thị… được bán trong nước với giá 170-250 nghìn đồng/kg và xuất khẩu sang nước ngoài với giá 600-800 nghìn đồng/kg, tăng đến hàng chục lần.

Như vậy, một khi chúng ta chịu khó nghiên cứu, đổi mới và đầu tư chiều sâu, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, khi tiêu thụ hàng hóa, chắc chắn doanh số bán lẻ sẽ tăng lên gấp bội, từ đó, doanh số bán lẻ của hàng hóa Việt sẽ được tăng lên trong những năm tới.

Chỉ đạo của Bộ Công Thương về phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua khâu bán lẻ cho thấy bộ rất quan tâm đến vấn đề tăng trưởng doanh số hàng năm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Từ những định hướng trên, cộng thêm những khó khăn ở thị trường ngoài nước hiện nay, việc quay lại thị trường nội địa và tìm mọi cách tăng doanh số bán lẻ một cách thực chất và vững chắc là tất yếu và là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương Việt Nam.

TRÁNH GÂY ĐỘT BIẾN TRONG ĐIỀU HÀNH XĂNG DẦU, THAN, ĐIỆN

Về dự báo giá cả thị trường 6 tháng cuối năm, khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8-4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, giả định nếu giá xăng dầu thế giới không có những đợt tăng mạnh, chỉ dao động từ 70-75 USD/thùng, tình hình sản xuất hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, có chiều hướng tốt theo dự báo của các chuyên gia...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

CPI hạ nhiệt, giá bán giảm nhưng sức mua vẫn chưa cải thiện - Ảnh 2