09:28 24/02/2014

CPI tăng thấp nhất 10 năm vì cầu tiêu dùng yếu

Thái Hà

So với cùng tháng 2 năm trước, CPI chỉ tăng 4,65%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Diễn biến CPI trong 1 năm qua - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Diễn biến CPI trong 1 năm qua - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước. Ở gốc so sánh khác, so cùng tháng năm trước, CPI chỉ tăng 4,65%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Các mức tăng thấp này có thể ngoài tầm ước lượng của giới quan sát nhưng không quá bất ngờ bởi trước đây vài ngày, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM đã công bố mức tăng CPI khá thấp trong vòng 10 năm trở lại đây, với các mức tương ứng 0,49% và 0,24%.

Trong số các tỉnh được Tổng cục Thống kê chọn công bố CPI, các tỉnh thành còn lại cũng có mức tăng thấp hơn hai thành phố trên, và đều dưới 1%.

Thực tế phản ánh công tác bình ổn giá ở thành phố lớn thường triển khai hiệu quả và quy mô lớn hơn các tỉnh khác. Ví như CPI của Vĩnh Long tăng 0,99% nhưng bên kia sông Hậu, qua một cây cầu lớn, CPI của thành phố Cần Thơ chỉ tăng 0,51%.

Gần đây, nhiều chuyên gia nhận định đà suy giảm kinh tế đã “chạm đáy” và có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng việc CPI cả nước và các tỉnh đều tăng thấp là minh chứng rõ nhất cho việc cầu tiêu dùng của đại bộ phận dân cư trong cả nước chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trong tháng, mặc dù chiếm trọn thời gian Tết nguyên đán và rằm tháng riêng nhưng sức mua của người dân trong cả nước không ở mức cao như mọi năm, không có hiện tượng sốt giá hay khan hiếm hàng bán ở các ngày và các mặt hàng tiêu dùng.

Đồng thời, mức tăng của các nhóm mặt hàng thường tăng giá vào dịp lễ Tết như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá hay nhóm văn hóa, thể thao vào du lịch năm nay đều tăng thấp hơn so với cùng tháng của các năm gần đây.

Đây là dấu hiệu cho thấy người dân đang phải cân nhắc rất kỹ trong tiêu dùng để cân đối với các khoản thu nhằm đối với với tình hình kinh tế khó khăn trong thời gian qua.

Trở lại diễn biến giá cả trong tháng, duy nhất có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trên 1% và có tới hai nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.

Như thường lệ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống thường tăng cao vào dịp lễ Tết ở mức 1,15% so tháng trước trong đó lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 1,16% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,6%.

Giá gạo trong nước đang ở mức ổn định khi chỉ tăng nhẹ vào dịp Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng gạo nếp do nhu cầu tăng cao hơn ngày thường. Giá các mặt hàng gạo tẻ ổ định do nguồn cung dồi dào trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang bị ảnh hưởng của giá gạo thế giới đang ở mức thấp.

Tương tự, cũng do nhu cầu tăng cao vào các dịp Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,16% so tháng trước tập trung vào các mặt hàng như thịt lợn, thịt bò và thủy hải sản. Thời tiết trước Tết thuận lợi tạo điều kiện tốt cho các loại rau, củ sinh trưởng tốt nên giá rau củ các loại giảm giá so với tháng trước.

Năm nay, Tết nguyên đán được nghỉ kéo dài đến 9 ngày san đều cả trước và sau Tết nên nhu cầu ăn uống ngoài ra đình cũng tăng đáng kể. Giá các mặt hàng ăn uống tăng 1,6% so với tháng trước.
Cũng do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu, thuốc lá trong ngày Tết tăng cao nên giá cả các mặt hàng nhóm này cũng tăng 0,6% so với tháng trước.

Ngoài các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, giá các mặt hàng khác có mức tăng không nhiều so với ngày thường.

Mặc dù thời tiết trên cả nước đã chuyển mùa cộng với nhu cầu ăn diện vào dịp Tết nguyên đán nhưng nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép mới tăng không đáng kể. Trong tháng, giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép chỉ tăng 0,21% so tháng trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của các mặt hàng này của tháng 2 năm 2013 (1,08%) với cùng mốc so sánh.

Tương tự, các mặt hàng thiết bị đồ dùng gia đình cũng chỉ tăng 0,22% do nhu cầu mua sắm đồ dùng thiết bị mới không cao.

Ở chiều ngược lại, sau khi là tác nhân chính khiến chỉ số giá chung tăng vào 2 tháng trước, tháng này, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã quay đầu giảm mạnh nhất ở mức 0,64%.

Đầu năm 2014, giá gas bán lẻ của các hãng đồng loạt giảm mạnh 43 nghìn đồng/ bình 12 kg do giá gas nhập khẩu giảm. Ngoài ra, các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng giảm nhẹ, do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở cuối năm thấp trong khi lượng sắt thép tồn kho vẫn đang ở mức cao.

Nhóm giảm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông, luôn đóng vai trò bình ổn giá khi giảm 0,02% so với tháng trước.

Trong tháng, cùng đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng 1,87% trong khi giá đô la Mỹ dao động nhẹ giảm 0,03% so tháng trước.