09:41 23/12/2013

CPI năm 2013 tăng thấp nhất trong 10 năm

Thái Hà

Diễn biến trong năm của CPI đã gây ra những cung bậc cảm xúc khác nhau đối với giới quan sát

Diễn biến CPI năm 2013 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Diễn biến CPI năm 2013 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012.

Mức tăng 6,04% của giá cả năm nay cũng được ghi nhận là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đúng như VnEconomy đã nhận định từ tháng 6/2013.

Diễn biến trong năm của CPI đã gây ra những cung bậc cảm xúc khác nhau đối với giới quan sát. Từ mức tăng 1,31% vào tháng 2 do các tác động mang tính thời vụ của Tết Nguyên đán Quý Tỵ, CPI giảm gần như thẳng đứng về mức - 0,19% trong tháng 3, tăng rất khẽ 0,02% vào tháng 4 phần lớn nhờ quyết định hành chính, rồi lại âm trở lại 0,06% ở tháng 5.

Khi đó, mối lo giảm phát và sức khỏe nền kinh tế tiếp tục đi xuống đã được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra trong bối cảnh cả sản xuất và tiêu dùng đều tăng ở mức thấp.

Ngoại trừ chỉ số tồn kho tiếp tục tăng cao ở mức 13,1%, các chỉ tiêu khác như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% thấp hơn con số 5,9% của năm 2012, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 4,6% tiếp tục ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Hai tháng kế tiếp, CPI đã tăng nhẹ trở lại nhờ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó đã có thời điểm giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục ở mức 24.570 đồng/lít. Nhờ các tác động này, CPI đã thoát khỏi chuỗi các tháng liên tục âm hoặc tăng thấp để rồi tăng vọt vào các tháng sau đó, mà đỉnh điểm là mức tăng 1,06% vào tháng 9 do các tác động đến từ việc tăng học phí các cấp và phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện công.

Việc CPI liên tiếp tăng khá cao không gây bất ngờ cho giới quan sát bởi việc điều chỉnh các dịch vụ công kia được thực hiện theo lộ trình với sự điều chỉnh khá lớn, đồng thời những tác động này chỉ mang tính nhất thời tại thời điểm các quyết định đó có hiệu lực.

Nếu loại trừ các yếu tố tăng giá trên, CPI giai đoạn đó tăng bình quân 0,6%/ tháng phản ánh phần nào kinh tế có khởi sắc hơn. Sau 11 tháng, chỉ số tồn kho còn 9,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, chỉ số sử dụng lao động tăng 4,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trở lại với diễn biến giá cả trong tháng, mức tăng 0,51% so tháng trước thấp hơn dự báo của nhiều chuyên gia cũng như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (tăng 0,62%) nhưng không quá bất ngờ khi mà thành phố Hà Nội và Tp.HCM vừa công bố mức tăng lần lượt là 0,33% và 0,39%.

Tăng mạnh nhất trong tháng là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt khi đạt mức 2,31% so tháng trước. Giá gas nhập khẩu tăng mạnh nhất từ năm 2012 khiến giá gas bán lẻ trong nước của các hãng tiếp tục điều chỉnh tăng đồng loạt 80 nghìn/ bình 12 kg chính là lực đẩy chính của nhóm này.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại có đà tăng thấp hơn tháng trước khi xác lập ở mức tăng 0,49% trong đó lương thực tăng 1,22%, thực phẩm tăng 0,38% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%.

Mặc dù đã vào dịp cuối năm nhưng cả lương thực và thực phẩm đều có xu hướng giảm dần mức tăng trong những tháng dần đây. Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong cả nước ổn định cộng với nhu cầu tiêu dùng của người dân hạn chế là những nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng trên.   
    
Ở chiều giảm giá, có hai nhóm là giao thông và giáo dục ghi nhận ở các mức tương ứng giảm 0,23% và giảm 0,01%. Sau khi các tác nhân tăng giá từ việc tăng học phí ở các trường công lập không còn, chỉ số giá nhóm giáo dục đã giảm nhẹ. Trong khi đó, các đợt giảm giá xăng dầu trong tháng 11 đã kéo chỉ số giá nhóm giao thông giảm so với tháng trước.

Cũng do quy định ngày tính giá của cơ quan thống kê nên đợt tăng giá xăng dầu ngày 18/12 vừa qua chưa ảnh hưởng đến giá cả tháng 12 này.

Trong tháng, giá vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi ghi nhận ở các mức giảm 3,33% và tăng 0,05% so tháng trước.