CPTPP: Đừng nhường cơ hội cho doanh nghiệp FDI
Dòng vốn đầu tư từ các nước như Canada, Australia, New Zealand... đổ vào Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực (14/1/2019) đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để bứt phá
Dòng vốn đầu tư từ các nước như Canada, Australia, New Zealand... đổ vào Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực (14/1/2019) đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để bứt phá.
Với việc chính thức tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Doanh nghiệp Việt làm thế nào để tận dụng được cơ hội này? Có giải pháp gì để biến thách thức thành lợi thế cho mình?
Đừng nhường cơ hội cho FDI
Tại hội thảo: "CPTPP: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế" được Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức vào cuối tuần qua tại Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhấn mạnh: Nếu như WTO là dấu mốc cho quá trình hội nhập theo chiều rộng của Việt Nam thì CPTPP đánh dấu giai đoạn mới khi Việt Nam muốn hội nhập theo chiều sâu, ở tầm cao hơn, với những đòi hỏi cao hơn từ bên ngoài.
Không phủ nhận việc tham gia CPTPP, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi vì hàng hoá phong phú hơn, thuế giảm; tuy nhiên, theo bà Lan, doanh nghiệp Việt sẽ vấp phải áp lực trong việc cạnh tranh với hàng hóa tràn vào từ các nước. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam và nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế sẽ gia tăng.
"Tôi rất kỳ vọng vào sự vươn lên của bản thân các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chú ý thị trường nội địa. Thị trường mở ra thì cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, nhưng cơ hội cũng rộng lớn hơn. Nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam cũng vì nhìn thấy tiềm năng của thị trường 100 triệu dân này, thì tại sao chúng ta lại bỏ đi cơ hội ngay trên sân nhà. Đừng coi thường thị trường trong nước, nó đang "nở" lên hàng ngày, nếu chúng ta biết tận dụng chúng ta sẽ thắng. Đừng nhường hết cơ hội đó cho FDI", bà Lan nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết: câu chuyện của CPTPP trong thời gian này không phải là áp lực cạnh tranh mà áp lực ở chỗ các doanh nghiệp Việt làm sao tận dụng được cơ hội này để tăng sức cạnh tranh, thay vì nhường sân cho FDI".
Cần tạo sự bình đẳng giữa FDI và doanh nghiệp nội địa
Chia sẻ thêm về việc tận dụng cơ hội từ CPTPP và từ bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bà Lan nêu lên thực trạng về sự bất bình đẳng giữa ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước và FDI.
Theo bà Lan, hội nhập cơ bản là tự do hóa. Lâu nay chúng ta vẫn tự do hóa, nhưng có lẽ tự do hóa quá nhiều cho FDI. Ở các nước, khi một FDI đàm phán đầu tư đều mong muốn được đối xử tương đương với doanh nghiệp tại nước sở tại, cho ưu đãi không kém hơn doanh nghiệp nội địa; riêng Việt Nam thì làm ngược lại, cho FDI quá nhiều ưu đãi, hơn hẳn trong nước. Điều này làm cho doanh nghiệp Việt thiệt thòi, không cạnh tranh được với FDI.
"Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, chúng ta phải thúc đẩy tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, với FDI. Tự do hóa cho doanh nghiệp trong nước phải cao hơn nữa thì mới vượt lên được chứ không chúng ta vẫn dành cơ hội cho FDI", bà Lan nói thêm.
Phải vươn lên bằng nội lực và sự đồng hành của các bên
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu ra mong muốn các ngân hàng cùng đồng hành với mình trong phát triển chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc khối ngân hàng giao dịch của Techcombank, cho biết: Lâu nay, trong giao dịch ngân hàng, doanh nghiệp thường chỉ tập trung nhiều vào việc thương thảo mức lãi suất vay thấp hoặc giảm chi phí thanh toán trên giao dịch. Các vấn đề về giải pháp giảm chi phí từ rủi ro ngoại hối, rủi ro gian lận thương mại, rủi ro thanh khoản chưa được chú trọng.
Trên thực tế, việc quản lý dòng tiền hiệu quả, đảm bảo thu tiền đúng hạn, thanh toán tập trung theo kỳ nhất định giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vốn tự có, giảm thiểu như cầu vay vốn không cần thiết, từ đó giảm thiểu chi phí vốn đáng kể. Việc quản lý rủi ro hiệu quả như bảo hiểm tỷ giá, bảo hiểm hàng hoá, am hiểu đối tác, am hiểu luật pháp và các quy tắc ứng xử quốc tế giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả rủi ro, đảm bảo sự ổn định về lợi nhuận trong kinh doanh
Techcombank hiện đóng vai trò kết nối các đối tác kinh doanh với nhau, như kết nối kênh phân phối với công ty sản xuất, công ty dịch vụ, công ty bảo hiểm với công ty kinh doanh... mang lại cơ hội kinh doanh lớn hơn cho khách hàng. Techcombank không chỉ là ngân hàng cung cấp các dịch vụ nhân hàng truyền thống mà thực sự trở thành đối tác kinh doanh của mỗi khách hàng, đồng hành cùng khách hàng trên con đường hội nhập kinh tế và phát triển, bà Giang nói.
Nhìn chung, cơ hội của CPTPP là rộng mở, chúng ta đang có nhiều cơ hội, vấn đề các doanh nghiệp phải làm gì để gia tăng nội lực của mình, để tận dụng cơ hội này. Các cơ quan quản lý sẵn sàng hỗ trợ về thông tin, thể chế; ngân hàng sẵn sàng cấp vốn, hỗ trợ trong thanh toán, vấn đề còn lại vẫn là bản thân các doanh nghiệp.
"Chúng tôi rất kỳ vọng CPTPP hay các Hiệp định thương mại tự do khác chỉ là đòn bẩy. Còn bản thân các doanh nghiệp sẽ vươn lên bằng chính nội lực, bằng nhu cầu của mình thì sẽ bền vững hơn", bà Trang nhấn mạnh.