16:14 29/01/2024

Cử tri phản ánh chưa thấy động tĩnh mở rộng Quốc lộ 1A qua Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam hiện đầu tư với quy mô 4 làn xe hỗn hợp, không xây dựng riêng làn xe thô sơ. Dự án mở rộng đoạn tuyến gặp khó khăn do dân cư hai bên sinh sống dày đặc, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, lên tới khoảng 11.060 m2..

Bộ sẽ ưu tiên báo cáo cấp thẩm quyền xem xét đầu tư mở rộng đoạn tuyến khi đủ điều kiện và cân đối được nguồn vốn.
Bộ sẽ ưu tiên báo cáo cấp thẩm quyền xem xét đầu tư mở rộng đoạn tuyến khi đủ điều kiện và cân đối được nguồn vốn.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc thiết kế tuyến đường cho người đi bộ trên tuyến Quốc lộ 1A.

Về việc mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ trước đây, khi thiết kế không có tuyến đường dành cho người đi bộ và phương tiện thô sơ nên gây rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Theo đại biểu, Bộ Giao thông vận tải đã hứa, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc mở rộng hành lang tuyến đường này, gây nhiều thất vọng và không biết đến bao giờ người dân mới được tuyến đường này để giảm tải tai nạn.

Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch, Quốc lộ 1 từ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2.482 km, đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 04 làn xe.

 

"Đoạn Km947+000 - Km987+000 do điều kiện mặt bằng khó khăn, qua khu vực đông dân cư, đầu tư với quy mô 4 làn xe hỗn hợp, không xây dựng riêng làn xe thô sơ. Nếu thực hiện đầu tư thêm 2 làn xe thô sơ sẽ phải đền bù, giải phóng diện tích đất và nhà ở lên tới khoảng 11.060 m2", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác tuyến Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ từ năm 2015 bảo đảm quy mô đường cấp III, 4 làn xe theo quy hoạch.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Nam dài 85 km gồm các đoạn Km942+000 - Km947+000 và Km987+000 - Km1027+000 do điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, đầu tư với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Quy mô đầu tư đoạn tuyến nêu trên đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất tại Văn bản số 831/UBND-KTN ngày 21/7/2013.

Trên cơ sở đó Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 7645/VPCP-KTN ngày 13/9/2013.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nhiều phương án để đầu tư mở rộng, tách riêng làn xe thô sơ đoạn Km947+000 - Km987+000. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho phép đầu tư theo hình thức BOT các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Đồng thời, Bộ cũng đã lập dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về nguồn vốn, nhất là trong điều kiện nguồn lực của Bộ Giao thông vận tải được phân bổ hạn hẹp, tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí vốn để triển khai dự án.

Thay vào đó, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Bộ đã cân đối được khoảng 2.201 tỷ đồng để hoàn thành 2 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công mới 3 dự án. 

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm đã tập trung nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy song hành với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe dừng khẩn cấp. Sau khi đưa tuyến cao tốc vào khai thác từ cuối năm 2018 đã góp phần chia sẻ, giảm tải cho đoạn Quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Nam khoảng 40% lưu lượng.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của đại biểu và rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn chung của ngành giao thông vận tải; đồng thời, sẽ ưu tiên báo cáo cấp thẩm quyền xem xét đầu tư mở rộng đoạn tuyến khi đủ điều kiện và cân đối được nguồn vốn.

Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp cơ quan chuyên môn của địa phương khảo sát cụ thể hiện trạng để có giải pháp tăng cường an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.