09:22 27/10/2023

Cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay Mỹ

Tường Bách

Một không gian mới của United Airline sắp xuất hiện tại Sân bay Quốc tế Denver. Hãng hàng không đang mở rộng không gian phòng chờ thêm “khoảng hai sân bóng đá” cùng với những cải tiến cơ sở hạ tầng khác, dự kiến hoàn thành vào năm 2025...

Ảnh: USA Today
Ảnh: USA Today

Không gian mới nhất này sẽ bao gồm United Club lớn nhất thế giới, một không gian ba tầng ấn tượng với 600 chỗ ngồi tại sảnh B của sân bay. Phòng chờ mới rộng 3.250 met vuông nhấn mạnh khung cảnh nhà máy bia của Denver với trải nghiệm nếm bia "mới ra lò" ngay trên tầng lửng.

Còn tại sảnh A (gần Cổng A26), United đã thành lập câu lạc bộ hai tầng rộng 2.300 met vuông vào tháng trước, tập trung vào lối trang trí phản ánh cảnh quan ngoài trời của Colorado. Phong cách thẩm mỹ của câu lạc bộ này giống như nhà nghỉ trượt tuyết với hai phòng chờ có lò sưởi, những đống củi xếp chồng lên nhau, đệm có hoa văn bằng vải nỉ.

Đó là hai phòng chờ hoàn toàn mới được quyết định đầu tư chỉ trong vài tuần tại trung tâm Denver rộng lớn của United Airline. Sân bay đặc biệt quan trọng trong việc kết nối hành khách, hãng hàng không cho biết hơn 2/3 số khách hàng kết nối với những địa điểm khác ở Denver. United Club mới dự kiến sẽ đáp ứng số lượng khách du lịch nhiều hơn gấp đôi so với trước đây. Alexander Dorow, Giám đốc Câu lạc bộ và Phòng chờ của United, cho biết: “Các địa điểm mới của United Club được thiết kế và vận hành để phản ánh phản hồi từ khách hàng và phù hợp với cách phát triển hoạt động du lịch của họ trong những năm gần đây.”

Phòng chờ thương gia United Club tại sân bay Quốc tế Denver vừa khai trương tháng trước.
Phòng chờ thương gia United Club tại sân bay Quốc tế Denver vừa khai trương tháng trước.

Theo CNBC, đối với những thành viên thân thiết của các hãng hàng không và một số chủ thẻ tín dụng nhất định, quyền lợi sử dụng phòng chờ sân bay mang đến cho họ những trải nghiệm ăn uống miễn phí và quan trọng hơn cả cơ hội thư giãn và tránh xa đám đông ở cổng lên máy bay chung. Gần đây, ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến việc làm sao để nhận được những quyền lợi trên, khiến các trải nghiệm ở phòng chờ trở thành một xu hướng nở rộ tại các sân bay lớn của Mỹ.

Phòng chờ Sky Club của Delta Air Lines trở nên phổ biến đến mức khách hàng phàn nàn về tình trạng xếp hàng dài và đông đúc ở nhiều phòng chờ trên khắp nước Mỹ. Để đáp lại, hãng hàng không đã phải đặt ra giới hạn thời gian và công bố giới hạn hàng năm về số lần truy cập đối với nhiều chủ thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, động thái này của Delta Air Lines khiến nhiều khách hàng tức giận, cho rằng chúng quá nghiêm ngặt và do đó, vào tuần này, Delta đã phải điều chỉnh lại một số thay đổi. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể”, giám đốc trải nghiệm khách hàng của Delta, Allison Ausband, nói khi hãng khai trương phòng chờ Sky Club mới, có quy mô lớn hơn tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York.

Bà Ausband cho biết các phòng chờ không phải là trung tâm lợi nhuận cho Delta dưới bất kỳ hình thức nào mà là khoản đầu tư mà hãng thực hiện để tạo ra trải nghiệm cao cấp cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Delta cũng thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu của các sản phẩm cao cấp như hạng thương gia đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của hạng ghế phổ thông.

Delta cũng đang trong quá trình xây dựng mạng lưới các phòng chờ cao cấp nhất nhắm đến khách du lịch trong hạng Delta One và những khách hàng top đầu khác. Những không gian này dự kiến sẽ bắt đầu mở cửa vào năm tới ở New York, tiếp theo là Los Angeles và Boston.

Phòng chờ Sky Club mới khai trương của Delta Air Lines tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy, New York.
Phòng chờ Sky Club mới khai trương của Delta Air Lines tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy, New York.

Không chỉ Delta và United Airlines, American Airlines cũng đẩy mạnh xây dựng thêm nhiều phòng chờ và không gian lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cao từ khách du lịch. Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành thẻ tín dụng như JPMorgan Chase, Capital One và American Express cũng tham gia cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay với mong muốn thu hút và giữ chân những khách hàng có mức chi tiêu cao. Jenn Scheurich, người đứng đầu bộ phận du lịch tại Capital One lưu ý: “Khách hàng sẽ luôn nhớ đến những công ty chăm sóc họ, đứng về phía họ và tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho họ”.

Công ty Capital One đã mở các phòng chờ cao cấp tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles và Sân bay Quốc tế Dallas/Fort Worth và tiếp tục có kế hoạch cho Sân bay Quốc tế Denver vào đầu tháng tới, cùng với các dự án khác tại Sân bay LaGuardia và Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington (Mỹ). Theo chia sẻ của bà Scheurich, chủ thẻ tín dụng Capital One Venture X cần trả một khoản phí hàng năm là 395 USD cho thẻ, đi kèm với quyền truy cập cho 2 khách không giới hạn vào các phòng chờ của công ty. Các du khách bình thường cũng có thể trải nghiệm phòng chờ với giá 65 USD một lần.

Trong khi đó, JPMorgan Chase đã mở phòng chờ Chase Sapphire đầu tiên ở Hồng Kông vào năm 2022 và ở Mỹ vào tháng 5 năm nay. Cơ sở rộng hơn 1.000 met vuông tại sân bay Quốc tế Boston Logan bao gồm thực đơn ăn uống do đầu bếp địa phương Douglass Williams chế biến cũng như phòng ăn phục vụ cà phê và bia thủ công địa phương, quầy bar phục vụ rượu và cocktail ở trung tâm, hai phòng chăm sóc sức khỏe với ghế massage không trọng lực và thiền định có hướng dẫn, cùng hai phòng chăm sóc sức khỏe kèm phòng tắm.

Tập đoàn tài chính này cũng đã mở “sân hiên trong nhà và ngoài trời” tại sân bay quốc tế Austin-Bergstrom vào năm ngoái. Bà Dana Pouwels, giám đốc điều hành, tổng giám đốc Sapphire Lounge và người đứng đầu Chase Sapphire Partnerships, cho biết: “Các thành viên thẻ Sapphire Reserve có bản chất là những người thích du lịch, vì vậy chúng tôi đang nâng cấp hành trình du lịch của họ với các phòng chờ ở sân bay để mở ra những trải nghiệm ẩm thực, chăm sóc sức khỏe và văn hóa mới”. Tổ chức tài chính này cũng dự định sẽ triển khai các hoạt động tương tự tại Sân bay LaGuardia, Washington Dulles, Las Vegas, Philadelphia và San Diego. Những phòng chờ này mở cửa cho khách hàng có thẻ Chase Sapphire Reserve với mức phí hàng năm là 550 USD

Cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay Mỹ - Ảnh 1
Cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay Mỹ - Ảnh 2
 
Cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay Mỹ - Ảnh 3
Cuộc đua mở rộng không gian mới tại các sân bay Mỹ - Ảnh 4
 

Thực tế là ngay từ trước Covid-19, nhiều hãng hàng không đã bắt đầu phát triển và mở thêm các phòng chờ hạng sang nhằm thu hút khách hàng thuộc giới nhà giàu, sẵn sàng chi tiêu cho các trải nghiệm sang trọng. Sân bay Los Angeles, Mỹ (LAX) đã mở một dịch vụ hàng không dành cho khách VIP với một nhà ga riêng với tên gọi Private Suites, chuyên dành cho giới siêu giàu, người nổi tiếng giải trí chờ máy bay cất cánh. Khách ở mỗi căn phòng đều có 8 người hỗ trợ. Họ làm nhiệm vụ dẫn khách lên khu vực riêng tư này và qua khu vực kiểm tra an ninh tư nhân.

Hiện sân bay Los Angeles có 12 dãy phòng chờ hạng Private Suite mới được nâng cấp và thiết kế lại bởi nhà thiết kế nổi tiếng Cliff Fong. Với một bộ sưu tập sách và tác phẩm nghệ thuật của Assouline do Creative Art Partners sắp xếp dọc theo các bức tường, Private Suite giống một căn hộ sang trọng hơn là một phòng chờ sân bay. Hiện tại, mỗi năm hàng nghìn tỷ phú và người nổi tiếng đã chọn dịch vụ này để nghỉ ngơi “giết thời gian” trước giờ ra máy bay.