09:43 05/08/2024

Đã đến lúc Fed có thể hạ lãi suất

An Huy

Chủ tịch Fed Jerome Powell từ lâu đã cân nhắc giữa hai rủi ro, một là cắt giảm lãi suất quá sớm và hai là đợi quá lâu mới hạ lãi suất...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 31/7/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm. Tuy nhiên, lần họp này của Fed được coi là cuộc họp quan trọng nhất trong một thời gian trở lại đây, vì ngân hàng trung ương này đang tiến gần hơn bao giờ hết tới chỗ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trong tất cả bốn cuộc họp của Fed từ đầu năm đến nay tính đến trước lần họp này, vấn đề cắt giảm lãi suất luôn là một câu chuyện “để sau rồi tính”. Nhưng tại cuộc họp này, những diễn biến mới về lạm phát và thị trường việc làm đã cho phép giới chức Fed phát tín hiệu rằng việc giảm lãi suất rất có thể sẽ được khởi động trong cuộc họp tiếp theo, diễn ra vào tháng 9/2024.

Chủ tịch Fed Jerome Powell từ lâu đã cân nhắc giữa hai rủi ro, một là cắt giảm lãi suất quá sớm và hai là đợi quá lâu mới hạ lãi suất. Cuối cùng, dường như ông đã chọn hạ lãi suất sớm hơn thay vì đợi thêm một thời gian nữa. Lý do Fed không hạ lãi suất ngay trong cuộc họp vừa rồi (dù điều kiện để hành động được cho là đã thuận lợi) là bởi đây sẽ là đợt giảm lãi suất đầu tiên trong một chuỗi đợt giảm nhằm đưa lãi suất xuống thang từ mức cao nhất kể từ năm 2001. Giới chức Fed từng bị lạm phát làm cho bất ngờ trước đây và họ muốn có thêm bằng chứng để tin rằng lạm phát thực sự đang giảm về mức cho phép họ hạ lãi suất.

Tuy nhiên, giới chức Fed cũng đang ngày càng lo ngại về việc họ có thể chậm trễ trong việc hạ lãi suất và khiến nền kinh tế mất đi cơ hội hạ cánh mềm. Giảm lạm phát về mục tiêu 2% trong khi vẫn duy trì một thị trường lao động lành mạnh “là vấn đề quan trọng nhất khiến tôi mất ngủ hàng đêm”, ông Powell phát biểu tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 7/2024.

“Nếu lạm phát giảm thêm, ít nhiều phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối mạnh và thị trường việc làm vẫn nhất quán với điều kiện hiện tại, tôi cho rằng có thể cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9”, ông Powell nói tại họp báo ngày 31/7/2024.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Fed Chi nhánh New York, ông John Williams nói rằng nhà chức trách sẽ “rút ra được nhiều điều trong thời gian từ tháng 7 tới tháng 9/2024”, đồng thời đề cập đến sự vững vàng của các hoạt động kinh tế trong thời gian gần đây. Nhưng ông cũng nói thêm rằng “sẽ đến lúc chúng tôi phải ra quyết định” về việc “làm thế nào để hạ lãi suất sao cho giảm bớt mức độ thắt chặt hiện nay của chính sách”.

Việc Fed trở nên sẵn sàng hạ lãi suất phản ánh ba yếu tố: (i) dữ liệu về lạm phát tốt lên; (ii) những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang giảm nhiệt; (iii) toan tính thay đổi về cân nhắc giữa hai rủi ro gồm để cho lạm phát cao dai dẳng và gây ra sự giảm tốc kinh tế không cần thiết.

TIẾN TRÌNH GIẢM LẠM PHÁT ĐƯỢC NỐI LẠI

Chỉ số giá tiêu dùng (PCE) lõi, thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và không bao gồm hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động về giá là thực phẩm và năng lượng, đã giảm về mức 2,6% trong tháng 6 từ mức 4,3% cùng kỳ năm ngoái và mức đỉnh 5,6% cách đây 2 năm. Ông Williams nói rằng giảm lạm phát đang diễn ra trên diện rộng, đồng thời bác bỏ mối lo ngại rằng chặng cuối của tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed sẽ cực kỳ khó khăn.

“Đây không thực sự là một câu chuyện về ‘chặng cuối’ hay một phần nào đó đặc biệt khó khăn của con đường giảm lạm phát. Các thước đo lạm phát khác đều đang đi theo đúng hướng, một cách khá nhất quán”, ông Williams cho biết.

Lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đã giảm trong năm 2023 ngay cả khi nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng vững, nhờ những nút thắt cổ chai trên thị trường lao động và hàng hóa được giải tỏa. Ông Powell đã liên tục cảnh báo rằng các thước đo giá cả có độ trễ so với những thay đổi trong điều kiện kinh tế, nên việc đợi cho tới khi lạm phát giảm về đúng 2% mới hạ lãi suất có nghĩa là “chúng ta có thể đã trì hoãn quá lâu”.

THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM BỚT THẮT CHẶT

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức 4,1% vào tháng 6/2024 từ mức 3,7% vào cuối năm 2023, chủ yếu bởi hoạt động tuyển dụng đã chậm lại và người tìm việc phải mất nhiều thời gian hơn để có được công việc. Điều này hạn chế khả năng của người lao động trong việc đòi tăng lương, mà tiền lương tăng có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao.

Việc ông Powell gần đây nhận định rằng thị trường lao động “không còn là một nguồn áp lực lạm phát trên diện rộng” cho thấy một mối bận tâm lớn về tiềm năng lạm phát bùng trở lại đã giảm bớt.

Cách đây 2 năm, giới chức Fed lập luận rằng thị trường lao động đang cân bằng tới mức các công ty có thể phản ứng với lãi suất cao và sự suy yếu của nhu cầu bằng cách giảm bớt số công việc cần tuyển dụng thay vì sa thải nhân viên. Cho tới hiện tại, nhận định đó của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ là đúng. “Thị trường lao động hiện nay đang trong tình trạng rất hợp lý. Chúng tôi cần giữ được thị trường lao động ở trạng thái này”, Thống đốc Fed Christopher Waller phát biểu mới đây...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đã đến lúc Fed có thể hạ lãi suất - Ảnh 1