Quy mô kinh tế số TP.HCM năm 2021 đạt gần 8,3 tỷ USD
Năm 2022, kinh tế số đóng góp 15% GRDP của TP.HCM và hướng phát triển Trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub) khu vực với các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số…
Ngày 25/3, nhằm tiếp thu ý kiến và hoàn thiện báo cáo đánh giá đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn TP.HCM, đánh giá chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành, Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm “Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM”.
“Để đạt các mục tiêu đề ra, trước mắt là kinh tế số đóng góp 15% GRDP TP.HCM năm 2022, HIDS sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển TP.HCM thành Trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub) khu vực; Đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số; và hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số - DXCenter.”
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS).
Chương trình chuyển đổi số được UBND TP.HCM ban hành vào tháng 7/2020 xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2022 kinh tế số chiếm tỷ trọng 15% GRDP và tỷ lệ này tăng lên 25% (năm 2025) và 40% (năm 2030).
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khẳng định TP.HCM có lượng người sử dụng smartphone, Internet cao nhất nước. Ngoài ra, hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn.
Các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng xem video, game, ứng dụng công việc hay ứng dụng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử đều được người dân sử dụng thường xuyên và xu hướng số hóa trong học tập và làm việc từ xa ngày càng phổ biến.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường. Đặc biệt, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân, nhưng lại là “cú hích” phát triển giao dịch trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Riêng ngành Khoa học công nghệ và ngành Thông tin truyền thông TP.HCM có tốc độ phát triển khá cao so với cùng kỳ lần lượt là 3,8% và 6,08%.
Tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) Phạm Bình An cho biết: Theo tính toán của chuyên gia, quy mô GRDP của nền kinh tế số TP.HCM năm ngoái là 191.768 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,27 tỷ USD). Với kết quả này, ước lượng tỷ trọng nền kinh tế số trong quy mô GRDP của TP.HCM năm 2021 vào khoảng 13,71% đến 15,72%.
“Để đạt các mục tiêu đề ra, trước mắt là kinh tế số đóng góp 15% GRDP TP.HCM năm 2022, HIDS sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển TP.HCM thành Trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub) khu vực; Đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số; và hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số - DXCenter”, ông An nói.
Đánh giá lại tầm quan trọng của kinh tế số, Viện trưởng HIDS Trần Hoàng Ngân, cho rằng: Có 5 vấn đề cần làm tốt hiện nay là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng, ứng dụng công nghệ số; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp số; Đầu tư hạ tầng số, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao (trong đó có nguồn nhân lực kinh tế số); Ban hành thể chế và những quy định để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng kinh tế số và bảo vệ sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy chính quyền số với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
Các kết quả nghiên cứu bước đầu thể hiện được sự tiên phong của TP.HCM trong xây dựng chính quyền điện tử với kho dữ liệu dùng chung và đô thị thông minh, tập trung các giải pháp kỹ thuật đồng bộ về nền tảng số.