Đà Nẵng trong tầm nhìn chiến lược của Đảng
Đà Nẵng đang tự tin hướng tới mục tiêu theo tầm nhìn chiến lược của Đảng, để cùng cả nước thực hiện khát vọng phát triển, đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và, xa hơn, thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045...
Các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I, được xác định là trung tâm cấp quốc gia, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng cho cả nước và từng vùng.
Đà Nẵng là một đô thị như thế.
Mỗi thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí và vai trò quan trọng riêng của nó.
Đà Nẵng, với không gian địa lý khá đặc biệt, là thành phố duy nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở vị trí trung độ của đất nước, với mặt tiền là Biển Đông bao la và phía sau là Tây Nguyên hùng vĩ.
Năm 1858, Pháp đã chọn Đà Nẵng để tấn công, mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta. Hơn trăm năm sau, năm 1965, Mỹ cũng chọn Đà Nẵng để đổ những đơn vị lính Mỹ đầu tiên trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam.
Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử.
Đà Nẵng có vị trí địa chiến lược trọng yếu riêng của nó.
Đảng ta từ lâu cũng đã thấy được tầm quan trọng chiến lược của địa bàn này, không chỉ trong chiến tranh giải phóng dân tộc mà cả trong thời bình.
Riêng trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, Bộ Chính trị đã 2 lần ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Đà Nẵng (Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2003 và Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019).
Tại các nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu Đà Nẵng “từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước”, với quan điểm phát triển được xác định “đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng…”.
Đường hướng phát triển theo tầm nhìn của Đảng đã giúp Đà Nẵng vững bước đi lên, và đạt nhiều thành tựu.
Gần 20 năm qua, Đà Nẵng đã tạo được những dấu ấn phát triển ấn tượng, bước đầu thể hiện là thành phố đáng sống, dẫu còn những hạn chế khó tránh trong nỗ lực vươn lên thành một “đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (tính đến khi ban hành Nghị quyết số 43 NQ/TW đầu năm 2019), Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,8%/năm (cao hơn mức tăng GDP bình quân năm của cả nước thời kỳ này), GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, trong đó dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Công nghiệp tiếp đà tăng trưởng khá; công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Nông nghiệp phát triển theo hưóng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người được nâng lên; duy trì được vị trí top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin…
Phát huy những thành tựu nói trên cũng như tiềm năng và lợi thế của địa phương, Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu mà Nghị quyết số
43- NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra cho thành phố đến năm 2030 “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống…”.
Đà Nẵng đang tự tin hướng tới mục tiêu theo tầm nhìn chiến lược của Đảng, để cùng cả nước thực hiện khát vọng phát triển, đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và, xa hơn, thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.