12:06 12/09/2024

Đã xảy ra 70 sự cố đê điều trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố

Chu Khôi

Do mưa lũ trong những ngày qua, tính đến 21h ngày 11/9/2024, đã xảy ra 70 sự cố đê điều (tăng 45 sự cố so với báo cáo ngày 10/9) trên địa bàn 11 tỉnh/thành phố. Trong đó, hệ thống đê sông Thao đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố cống, tràn một số tuyến đê cấp 4, cấp 5, đê bao, đê bối,...

Gia cố, đảm bảo an toàn đê điều.
Gia cố, đảm bảo an toàn đê điều.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ ngày 6/9 đến hết đêm 11/9, Khu vực đồng Bằng Bắc Bộ mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm; khu vực miền núi phía Bắc tổng lượng mưa phổ biến từ 350-450mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Nậm Xây Luông (Lào Cai) 760mm, Nấm Dẩn 2 (Hà Giang) 710mm, Tiền Hải (Thái Bình) 680mm, Chợ Chu (Thái Nguyên) 666mm, Kỳ Sơn (Hoà Bình) 665mm, An Phú (Yên Bái) 638mm, Thường Tín (Hà Nội) 609mm.

CON SỐ THIỆT HẠI LIÊN TỤC TĂNG LÊN

Thống kê đến sáng 12/9/2024, có 325 người chết, mất tích (197 người chết, 128 người mất tích), tăng 124 người (Lào Cai 111, Yên Bái 04, Quảng Ninh 02, Bắc Giang 01, Sơn La 01, Phú Thọ 01, Thái Nguyên 02, Hoà Bình 02) so với báo cáo ngày 10/8. Trong đó, nặng nề nhất là Lào Cai 177 người (82 người chết, 95 người mất tích); Cao Bằng 52 người (34 người chết, 18 người mất tích); Yên Bái 44 người (42 người chết, 02 người mất tích).

 

"Nhà hư hỏng: 130.268 nhà (tăng 28.924 nhà so với báo cáo trước đó). Trong đó: Quảng Ninh 70.629, Hải Phòng 36.675, Bắc Ninh 3.472, Lạng Sơn 2.990, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 1.378...".

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Nhà bị ngập: 57.857 nhà (tăng 17.732 nhà). Trong đó: Nam Định 959; Hà Nội 6.521; Yên Bái 21.288; Lạng Sơn 6.614; Thanh Hóa 144; Lào Cai 2.930; Thái Nguyên 5.000; Bắc Kạn 342; Sơn La 296; Hà Giang 664; Tuyên Quang 10.489; Ninh Bình 2.604.

Về nông nghiệp: 195.929 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tăng 35.078ha). Trong đó Hải Phòng 23.870ha; Nam Định 30.271ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hưng Yên 2.012ha; Hải Dương 20.467ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Giang 18.779ha; Bắc Ninh 4.711ha; Lạng Sơn 5.220ha; Vĩnh Phúc 9.054ha; Thái Nguyên 7.332ha; Tuyên Quang 4.362ha.

Có 35.010 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tăng 4.310ha); tập trung tại Hải Phòng 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 4.046ha; Hải Dương 3.159ha; Bắc Giang 1.981ha; Hoà Bình 6.728ha; Phú Thọ 1.631ha; Lạng Sơn 1.849ha.

Cây ăn quả, có 22.237 ha bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 2.130ha; Thái Bình 1.385ha; Hà Nội 3.924ha; Hưng Yên 2.953ha; Hải Dương 3.163ha; Bắc Giang 6.669ha,…). Thuỷ sản có 1.791 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Chăn nuôi đã có 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 388.605, Hải Phòng 644.452 gia cầm; Thái Nguyên 292.696).

Về ách tắc giao thông đường bộ, tính đến sáng 12/9, hiện còn 232 điểm bị tắc đường. Đường sắt, tuyến Bắc Hồng - Văn Điển tại Km20+400-Km21+000 nước ngập đỉnh ray trên 550mm, đã phong tỏa, cấm tàu qua khu gian Phú Diễn - Hà Đông; tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân phong tỏa các khu gian từ Đông Triều - Yên Cư để tổ chức sửa chữa nền đường bị sạt lở, cây, cột điện, cột đường đây thông tin do gió bão giật đổ vào đường sắt; tuyến Yên Viên - Lào Cai, hiện phong tỏa toàn bộ các khu gian từ Ấm Thượng - Lào Cai và dừng chạy tàu qua cầu Việt Trì; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, đã dừng chạy tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống và cầu Bắc Giang.

Tính đến 20 giờ ngày 11/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khôi phục được toàn bộ đường dây và trạm biến áp 500kV, lưới điện 220kV cơ bản đã khôi phục xong; các đơn vị điện lực địa phương đã khôi phục 132/173 đường dây 110kV và 1.376/1.604 đường dây lưới điện trung thế. Về hệ thống thông tin liên lạc, có 7.280 trạm phát sóng di động bị mất liên lạc do ảnh hưởng của bão, mưa lũ sau bão, đến thời điểm này đã khôi phục được 4.012/7.280 trạm.

TẬP TRUNG ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU

Về tình trạng lũ trên các con sông, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho hay, mực nước lúc 7 giờ sáng 12/9 trên các sông: sông Hồng tại Hà Nội 11,20m (dưới báo động 3 là 0,3m); Sông Thái Bình tại Phả Lại 6,18m (trên báo động 3 là 0,18m); sông Chảy tại Thác Bà 28,88m (trên 6,88m so với báo động 3); Sông Trà Lý tại Quyết Chiến 5,55m (trên 1,65m so với báo động 3); Sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,61m (trên 0,61m so với báo động 3); Sông Đáy tại Phủ Lý 5,14m (trên 1,14m so với báo động 3); Sông Cầu tại Đáp Cầu 7,59m (trên 1,29m so với báo động 3); Sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,23m (0,93 so với báo động 3).

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3; trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3; trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3; lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; trên sông Lô Tuyên Quang và Vụ Quang xuống dưới mức báo động 3; trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức báo động 3; trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở mức báo động 3.

Tính đến 21h00 ngày 11/9/2024, đã xảy ra 70 sự cố đê điều (tăng 45 sự cố so với báo cáo ngày 10/9) trên địa bàn 11 tỉnh/thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam và Nam Định.

Trong đó, 30 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên: 10 sự cố sạt lở đê (Bắc Ninh 1, Hải Dương 2, Hưng Yên 2, Hà Nội 2, Nam Định 1, Hà Nam 2); 9 sự cố cống qua đê (Vĩnh Phúc 1, Bắc Ninh 2, Bắc Giang 1, Hải Dương 1, Nam Định 4); 1 sự cố đùn sủi (Bắc Giang); 4 sự cố lỗ rò thân đê (Bắc Ninh 2, Hải Dương 2); 5 sự cố thẩm lậu (Nam Định 03, Hưng yên 02); 01 sự cố sạt lở kè (Hà Nội).

 

"Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ".

Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Có 40  sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp 3, gồm: 1 sự cố vỡ đê (Tuyên Quang); 24 sự cố tràn đê (Thái Nguyên 1, Phú Thọ 2, Bắc Ninh 2, Bắc Giang 4, Hà Nội 1, Hưng Yên 2, Hà Nam 3, Nam Định 9); 4 sự cố sạt lở đê (Hải Dương 1, Hưng Yên 2, Hà Nam 1); 8 sự cố cống qua đê (Hải Dương 4, Hà Nam 1, Nam Định 3); 1 sự cố lỗ rò thân đê (Hải Dương); 2 sự cố đùn sủi (Tuyên Quang 1, Hà Nam 1). Hệ thống đê sông Thao đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố cống, tràn một số tuyến đê cấp 4, cấp 5, đê bao, đê bối,...

Trước đó, ngày 11/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.

Trong đó, rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).