07:09 23/11/2012

Đại biểu Quốc hội và gói bánh quy của lòng dân

Nguyên Thảo

Nghe khẩu khí ít ai nghĩ ông là quan chức - đại biểu, bởi ông không ngần ngại khi nói “tôi không đồng tình”

Trung tướng Trần Văn Độ tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: CTV.<br>
Trung tướng Trần Văn Độ tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: CTV.<br>
Trong danh sách đăng ký thảo luận, tên ông thường xuất hiện ở nửa cuối. Nghe khẩu khí ít ai nghĩ ông là quan chức – đại biểu, bởi ông không ngần ngại khi nói “tôi không đồng tình”…
 
PGS.TS luật, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang, với người viết, là một vị đại biểu khá đặc biệt.
 
Cuộc trò chuyện với ông khi kỳ họp thứ tư của Quốc hội đã cận ngày bế mạc càng tăng thêm độ chắc chắn cho cảm nhận có thể còn nhiều cảm tính này.
 
Thưa ông, đang là quan chức, song khi tranh luận tại nghị trường ông luôn tỏ rõ thái độ “bênh” dân. Hàng ngày, chắc ông cũng tiếp xúc với cử tri không ít, vậy đã khi nào vì một áp lực nhất thời mà ông tỏ ra lạnh nhạt với một người dân nào đấy chưa ạ?
 

Chưa bao giờ tôi lạnh nhạt với người dân, cho dù đã từng nổi cáu với một người. Và cũng có kỷ niệm để lại sự xúc động rất sâu sắc.
 
Kỷ niệm  xúc động nhất, có thể chia sẻ được chứ, thưa ông?
 
Đó là một ngày áp Tết Nguyên đán, một bác cử tri An Giang tìm đến cơ quan tôi tại Hà Nội. Khi trực ban cho biết tôi đi vắng, bà tha thiết gửi lại gói quà Tết, trực ban không dám nhận vì tôi đã có quy định cấm nhận quà. Nhưng bà cứ năn nỉ mãi, trực ban đành gọi thư ký của tôi đến và cùng nhận món quà của bà, sau đó chuyển cho tôi.
 
Khi về, tôi mở ra thấy một gói bánh bích quy, loại bánh gia công được bao gói hết sức đơn sơ. Ở bức thư tay gửi kèm, bà nói bà đến chào tôi để về quê ăn Tết. Vì, dù tôi không thể tự mình giải quyết được chuyện đất đai bà đang khiếu kiện, mà chỉ nhận và chuyển đơn theo đúng chức năng. Nhưng bà xúc động và thấy ấm lòng, khi tôi vui vẻ tiếp và giải thích cho bà nghe cặn kẽ những điều bà muốn giúp đỡ.

Đại biểu Quốc hội và gói bánh quy của lòng dân   1Còn khi đã bước vào hội trường Quốc hội thì phải tạm quên mình là Chánh án, Phó chánh án đi. Mọi phát biểu đều phải xuất phát từ lợi ích của dân, nghĩ đến quyền lợi của dân trước hết. Chứ lúc đó mà còn phân vân suy nghĩ nói cái này có lợi hay có hại cho mình thì mệt đầu lắm... Trung tướng Trần Văn Độ

Vậy còn trường hợp khiến ông nổi cáu?
 

Chị ấy có hai con trai, đứa sau nghiện ma túy, đã hai lần vào tù do phạm tội trộm cắp, lần thứ ba khi tòa sắp xử vì tội liên quan đến ma túy, người mẹ cứ liên tục gọi điện nhờ tôi để con có thể được xử nhẹ. Thuyết phục qua điện thoại nhiều lần không được, tôi mời lên gặp trực tiếp và “mắng” chị ấy một trận vì thương con không đúng cách, rồi khuyên nhủ nếu thương con thì chấp nhận để con chấp hành bản án, giúp con cai nghiện… sau chị ấy cũng hiểu ra và nghe theo.
 
Từ hai câu chuyện cụ thể nói trên và kinh nghiệm của đại biểu tái cử, ông thấy để làm chỗ dựa cho dân có khó lắm không?
 
Không khó, nếu mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ  theo đúng khả năng của mình, tất nhiên là rất mất thời gian, nhưng hoàn toàn có thể làm được.
 
Đã là đại biểu, nhất là đại biểu không chuyên trách như chúng tôi, hoàn thành trách nhiệm là nhiệm vụ nặng nề. Trong thời gian Quốc hội họp, tôi thường xuyên phải làm việc 12 - 15 tiếng thay vì 8 tiếng như bình thường.
 
Tất nhiên cũng phải tự tìm cách giảm áp lực, bằng cách hoàn thành tốt việc chuyên môn. Còn khi đã bước vào hội trường Quốc hội thì phải tạm quên mình là Chánh án, Phó chánh án đi. Mọi phát biểu đều phải xuất phát từ lợi ích của dân, nghĩ đến quyền lợi của dân trước hết. Chứ lúc đó mà còn phân vân suy nghĩ nói cái này có lợi hay có hại cho mình thì mệt đầu lắm, đó là cách giảm áp lực tốt nhất.
 
Đúng là mình đang làm quản lý nhưng cũng lại là chuyên gia pháp luật, nên những tranh luận của mình đều xuất phát từ nghiên cứu và thực tiễn chứ không có ý hạ thấp ai cả. Mình cứ hết lòng, hết trách nhiệm, còn có thể có ai đó không hài lòng thì sau đó họ sẽ hiểu thôi.
 
Vâng. Không chỉ cử tri mà một số vị đại biểu cũng nhận xét rằng các phát biểu của ông không chỉ thể hiện rõ quan điểm và chính kiến mà còn có góc nhìn khá mới mẻ. Khi VnEconomy giới thiệu góp ý của ông về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, một bạn đọc đã comment rằng ý kiến của đại biểu Trần Văn Độ thật tuyệt vời. Quá trình chuẩn bị cho các phát biểu đó có vất vả lắm không, thưa ông?
 
Mỗi vấn đề tôi tham gia ý kiến đều có cả quá trình dài suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu chứ không phải ngẫu nhiên bắt gặp rồi nói; tất cả có sẵn ở trong đầu rồi. Tôi chỉ gạch đầu dòng các ý lớn định nói để phù hợp với thời gian 7 phút, chứ không bao giờ viết toàn bộ ra để đọc một mạch.
 
Cũng có một số trường hợp mình không định phát biểu; song sau khi nghe một số ý kiến mà mình thấy không ổn lắm thì cũng nhấn nút để ủng hộ hay phản biện, nên các ý kiến của tôi hầu như được phát biểu sau khá nhiều người khác.
 
Như phiên thảo luận về phòng chống tội phạm phải không ạ. Khi đó ông đã “phê” báo cáo của Chính phủ nêu nguyên nhân vi phạm pháp luật chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp, một bộ phận người dân coi thường pháp luật là “không đủ và không sâu xa”. Và cũng không đồng tình với ý kiến của một số vị đại  biểu khác cho rằng phải xử thật nặng để răn đe tội phạm. Không những không ngại mà ông còn luôn nhấn mạnh là “không đồng tình”, phải chăng ông luôn coi trọng tính phản biện ngay giữa các đại biểu với nhau?
 
Khi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm thì đúng là tôi muốn nhấn mạnh các giải pháp phòng ngừa chứ không nên chờ người ta hư hỏng, nhất là với trẻ vị thành niên, mới đưa ra mà xử thật nặng. Theo tôi, quan điểm xử phạt thật nặng để răn đe là không thật đúng, thiếu hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm.
 
Nói chung là không nên để mọi người nghĩ là cái gì mình cũng không đồng ý. Nhưng phải hiểu rằng thời gian cho mỗi buổi thảo luận chỉ đủ cho mấy chục đại biểu thôi, nên không nên chỉ nói cho có.
 
Tôi đồng ý thì tôi không phát biểu, chỉ lắng nghe. Còn nếu đã phát biểu mà thiếu phản biện chỉ có đồng ý không thôi thì không cần thiết, nên để thời gian đó cho người khác phát biểu. Người chỉ nghe khen không nghe được lời chê thì không tiến bộ được, tôi nghĩ như vậy.
 
Có vị đại biểu nói rằng, phát biểu là dũng cảm, nhưng đôi khi im lặng còn dũng cảm hơn, ông nghĩ sao?
 
Đúng rồi, vì có nhiều trường hợp mình không am hiểu thì đừng nên tự tạo áp lực là vì có truyền hình trực tiếp hay lâu rồi mình không xuất hiện nên cứ nhấn nút đăng ký phát biểu, nhưng nội dung thì chẳng đâu vào đâu cả.
 
Ngoài những phát biểu công khai trên hội trường, nhiều việc tôi cũng góp ý riêng với ban soạn thảo dự án luật, chủ nhiệm cơ quan thẩm tra hay thậm chí cả Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách.
 
Ví dụ Luật Luật sư mà Quốc hội vừa thông qua chẳng hạn, tôi không thật đồng ý với quy định cấm giảng viên luật làm luật sư. Vì làm thế là không nghĩ đến dân. Người dân khi vướng vòng lao lý rất cần những người tinh thông  pháp luật và mô phạm như các vị giảng viên đó. Còn nếu nói là để họ làm thêm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn thì phải quản lý cho tốt chứ.
 
Mọi việc phải tạo thuận lợi cho dân trước hết, quản lý nhà nước phải đi theo dân, vì dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chứ không thể thay vì đi theo lại cấm đoán, rồi cấm không được thì phạt...
 
Trước đây, khi thông qua Luật Đất đai năm 2003, tôi đã nhận xét rằng luật này từ góc độ nhà quản lý thì tốt nhưng với người sử dụng đất thì sẽ có rất nhiều vấn đề. Thực tế đúng là như vậy.

Đại biểu Quốc hội và gói bánh quy của lòng dân   2Sẽ rất nguy hại nếu chính sách bị tác động bởi một nhóm lợi ích nào. Đồng chí Tổng bí thư cũng đã nói đến lợi ích nhóm rồi, nhưng nhận ra và loại bỏ được nó mới là điều quan trọng. Trung tướng Trần Văn Độ

Rồi đến Luật Thủ đô đưa quy định hạn chế nhập cư nói là chính sách đặc thù, đặc thù gì mà theo tôi đã phá vỡ tính bình đẳng của công dân trước pháp luật khi so với Luật Cư trú. Những vấn đề của Hà Nội hiện nay chủ yếu là do quản lý chứ. Ví dụ, Thủ đô nhiều nước có cầu vượt 6 tầng, mình không chịu làm, chỉ có đường đồng mức dẫn đến ùn tắc giao thông, bây giờ mới sinh ra mấy cái cầu vượt nhẹ, đó là con mắt của nhà quản lý thiếu nhìn xa trông rộng chứ.
 
Rồi 20 năm nay muốn đưa các trường đại học, các xí nghiệp ra khỏi Thủ đô cũng đã làm được đâu... Theo tôi, đó là năng lực điều hành chứ đâu phải tại dân, bây giờ lại có người nói là do dân nhập cư.

Vậy nên tôi rất trăn trở và mong sao Nhà nước có được sự quản lý tốt hơn, tách được ra khỏi các lợi ích nhóm, nếu có. Sẽ rất nguy hại nếu chính sách bị tác động bởi một nhóm lợi ích nào. Đồng chí Tổng bí thư cũng đã nói đến lợi ích nhóm rồi, nhưng nhận ra và loại bỏ được nó mới là điều quan trọng.
 
Phải chăng điều này có liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực được ông đặt ra tại phát biểu ở phiên thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Khi đó ông đã đề nghị chuyển Viện kiểm sát trực thuộc Quốc hội với các văn phòng ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đồng thời nói rõ là ông không nhất trí với một số đại biểu cho rằng Viện kiểm sát chỉ kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật mà còn có cả chức năng kiểm sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật. Nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội như vậy thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra, ý kiến này của cử tri cũng đã được ông phản ánh…
 
Tôi nghĩ quyết tâm hạn chế tác động tiêu cực của lợi ích nhóm phải được thể hiện dần dần qua các luật, nghị quyết, quyết định của Nhà nước và đặc biệt khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.  
 
Xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân thì nghị quyết nói mãi rồi. Nhưng theo tôi, nếu đi vào nhiều vấn đề cụ thể khi xây dựng pháp luật thì tinh thần đó vẫn chưa thể hiện được thật triệt để. Có lẽ trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, Nhà nước nên nhận trách nhiệm về mình nhiều hơn, tạo thuận lợi cho dân nhiều hơn. Đó là điều tôi luôn trăn trở.