Đại hội cổ đông KLS kết thúc quá chóng vánh
Những tưởng vấn đề gai góc của KLS sẽ khiến hội trường chật ních cổ đông, với những màn tranh luận nảy lửa
Rất bất ngờ khi đại hội cổ đông Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) kết thúc quá chóng vánh vì không đủ số cổ phần biểu quyết tham dự. Những tưởng vấn đề gai góc liên quan đến việc chuyển đổi hoạt động của KLS sẽ khiến hội trường chật ních cổ đông, với những màn tranh luận nảy lửa...
9h sáng nay (19/3), tức là hết thời gian đăng ký theo chương trình, hội trường rộng mênh mông của Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội mới có dăm bảy nhóm cổ đông, không khỏa lấp được những hàng dài ghế trống. Ban tổ chức quyết định chờ thêm 30 phút nữa. Cũng có lác đác vài chục cổ đông nữa đến muộn, nhưng những tỉ lệ đại diện vốn thông báo ít ỏi hơn nhiều số người có mặt.
Từ sau khi KLS “lộ” ra thông tin sẽ “giải nghệ” khỏi mô hình công ty chứng khoán, hàng ngàn tranh luận với hàng trăm chủ đề nổ ra trên khắp các diễn đàn. Cổ đông lẫn nhà đầu tư “sôi sục” với rất nhiều ý kiến đầy nộ khí. Thậm chí không ít chủ đề hô hào cổ vũ cổ đông phải tập hợp nhau lại, kéo đến đại hội để lý luận với Ban giám đốc, Hội đồng Quản trị.
Tuy nhiên chốt lại hôm nay, chỉ có 33,15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Nếu trừ đi khoảng 15% tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ, lượng cổ đông bên ngoài tham dự không đáng bao nhiêu.
Trong tổng số hơn 67,1 triệu cổ phiếu được đăng ký, số ủy quyền lên tới 27,44 triệu cổ phiếu. Điều đó chứng tỏ cũng khá nhiều cổ đông quan tâm đến “vận mệnh” của KLS. Có lẽ lượng cổ đông tới 28.258 người, quá phân tán khiến KLS khó tập hợp được tỷ lệ cần thiết để tổ chức đại hội.
Trong tổng số hơn 67,1 triệu cổ phiếu được đăng ký, số ủy quyền lên tới 27,44 triệu cổ phiếu. Điều đó chứng tỏ cũng khá nhiều cổ đông quan tâm đến “vận mệnh” của KLS. Có lẽ lượng cổ đông tới 28.258 người, quá phân tán khiến KLS khó tập hợp được tỷ lệ cần thiết để tổ chức đại hội.
Không đủ điều kiện pháp lý, đại hội cổ đông KLS biến thành cuộc gặp mặt giãi bày về kế hoạch chuyển đổi công ty. Nội dung trình bày của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hà Hoài Nam không mới, nhưng góp phần trả lời trực tiếp cho rất nhiều câu hỏi ông nhận được suốt thời gian qua.
Câu hỏi được nhiều người cùng quan tâm nhất là tại sao KLS lại chấp nhận rời bỏ thế mạnh của mình để “nhảy” sang các lĩnh vực không chuyên như bất động sản, công nghệ, vướng mắc pháp lý trong việc chuyển đổi, tại sao công ty lại huy động vốn, nói là để đầu tư chứng khoán mà giờ lại “bỏ nghề”...
Ông Nam khẳng định KLS không bỏ nghề, không làm trái ngành nghề, mà có chăng là thay đổi cách đầu tư trong bối cảnh thị trường mới. Bản chất KLS sau khi chuyển đổi vẫn là hoạt động đầu tư tài chính. Việc KLS đăng ký hàng loạt ngành nghề kinh doanh mới là nhằm mục đích “dọn đường” cho hoạt động góp vốn, thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp trong tương lai, chứ không phải KLS trực tiếp đi “buôn” bất động sản hay sản xuất thiết bị điện tử.
“Để xin bổ sung ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải chốt danh sách, thông qua đại hội cổ đông rất mất thời gian. Với KLS điều đó lại càng khó khăn, có thể mất nhiều tháng. Mặt khác, đăng ký trước nhiều ngành nghề kinh doanh không ảnh hưởng gì”, ông Nam nói.
Vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị KLS cho biết cũng đã phải nghiên cứu trước, tìm hướng kinh doanh rồi mới cân nhắc vấn đề chuyển đổi. KLS đã đàm phán, tìm hiểu 5 dự án lớn cho kế hoạch đầu tư sâu, trong đó có một dự án làm đường, một dự án bệnh viện, một dự án khai mỏ và một dự án bất động sản. “Cách thức mua cổ phần vài phần trăm không giúp kiểm soát tốt hiệu quả đầu tư. Rất nhiều dự án tốt muốn KLS góp 30-40% vốn để tham gia quản trị. Với mô hình công ty chứng khoán hiện tại, điều đó không thực hiện được”.
Điểm khá thú vị là ông Nam nhận được rất nhiều câu hỏi “xóc”, thậm chí là ác ý. Có cổ đông cho rằng liệu có phải KLS hay ban lãnh đạo công ty “kẹt” đất Ba Vì đến nỗi phải xin chuyển lĩnh vực kinh doanh sang bất động sản?! Ông Nam thẳng thắn cho biết nếu có cổ đông nào phát hiện những “vụ” đầu tư bất động sản như vậy, ông sẵn sàng “tặng” số cổ phần đang sở hữu.
Liên quan đến nghi vấn “lừa” cổ đông khi KLS phát hành thêm huy động vốn rồi giữ tiền mặt, xin chuyển đổi hình thức kinh doanh. Ông Nam khẳng định việc tăng vốn vừa qua nằm trong bối cảnh khác. Đó là thời điểm thị trường chứng khoán còn có triển vọng tốt, đặc biệt là thanh khoản rất cao. KLS muốn thành công thì phải có tiềm lực vốn mạnh. Tuy nhiên một năm gần đây, thanh khoản thị trường rất yếu, cơ hội đầu tư ít. Do đó KLS phải ưu tiên bảo toàn lượng tiền mặt lớn. Việc chuyển đổi cũng là nhằm sử dụng tốt hơn lượng tiền mặt đó.
Về vấn đề pháp lý, đại diện KLS cho biết nếu đây là trường hợp một doanh nghiệp thông thường thì chuyển đổi rất dễ. KLS là trường hợp đặc biệt hơn do thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cách làm cũng phải khác. KLS đã tham khảo rất nhiều luật sư và cho rằng việc chuyển đổi là có thể làm được sau khi đại hội cổ đông thông qua.
Yếu tố mấu chốt là KLS phải xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút lại giấy phép kinh doanh với tư cách là một công ty chứng khoán. Việc này chưa từng có tiền lệ nên KLS phải giải trình mất khá nhiều thời gian. Điều kiện tiên quyết vẫn là ý kiến của đại hội cổ đông.
Với câu hỏi nếu KLS không chuyển đổi được thì sao? Ông Nam cho biết, KLS sẽ vẫn là KLS, hoạt động bình thường như từ trước đến nay. Kể từ khi có tin KLS dự kiến chuyển đổi, hoạt động của công ty không xáo trộn. Mới có 60-70/10.000 tài khoản của khách hàng bị đóng, nhân viên vẫn chưa chuyển việc người nào. Hoạt động đầu tư vẫn tiếp tục, quỹ tiền mặt lớn, danh mục hiện tại vẫn có, thậm chí còn được duy trì ngay cả khi sẽ chuyển đổi.
Phần lớn thời gian của buổi họp hôm nay là trong thời gian chờ đợi cổ đông đến dự. Căng thẳng chỉ nổ ra trong vòng vài phút với một số ý kiến bức xúc sau khi Ban tổ chức tuyên bố không tổ chức được đại hội cổ đông nhưng đề nghị cổ đông bày tỏ ý kiến về việc chuyển đổi bằng phiếu để công ty tham khảo.
Một cổ đông cho rằng với tỷ lệ tham dự thấp như vậy (33,15%), đặt ra nghi vấn những cổ đông lớn “phe” cổ đông nội bộ cố tính không tham dự để đại hội “phá sản” nhằm mục đích tổ chức lần hai, lần ba với điều kiện tỷ lệ thấp hơn.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc KLS cho biết đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. KLS mong muốn đại hội thành công để có thể quyết được những vấn đề lớn, đưa công ty hoạt động ổn định.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc KLS cho biết đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. KLS mong muốn đại hội thành công để có thể quyết được những vấn đề lớn, đưa công ty hoạt động ổn định.
“Có thể nhiều cổ đông lớn gặp phản ứng mạnh từ các cổ đông khác về việc chuyển đổi đã phản đối việc này. Nếu đến dự đại hội và biểu quyết chống thì “khó ăn nói”. Hội đồng Quản trị không cố tình khiến đại hội không tổ chức được. KLS luôn tôn trọng ý kiến của cổ đông và phương án chuyển đổi chỉ là đề xuất của Hội đồng Quản trị, quyết định cuối cùng thuộc về cổ đông. Hôm nay đại hội không tổ chức được nhưng lãnh đạo công ty vẫn muốn cổ đông đã mất công đến đây thì nghe giải trình của Hội đồng Quản trị, đồng thời bày tỏ chính kiến của mình qua lá phiếu để thăm dò chứ không mang tính pháp lý. Căn cứ vào đó Hội đồng Quản trị sẽ có sự thay đổi cho đại hội lần tới”, ông Thành nói.
Các ý kiến tại hội trường không nhiều, nhưng cổ đông lại tụ tập khá đông sau khi đại hội giải tán. Hầu như thành viên nào trong ban lãnh đạo KLS cũng phải trả lời các ý kiến của cổ đông tại chỗ. Đa số là các ý kiến chia sẻ, cũng có ý kiến hỏi “xoáy” về việc công ty đem tiền gửi ngân hàng thì có hơn gì cổ đông tự gửi. Cũng có khá nhiều ý kiến ủng hộ việc chuyển đổi của KLS, thậm chí còn mừng vì năm 2010 công ty giữ được tiền mặt, coi đó là chiến lược đúng đắn.
Theo quy định, đại hội cổ đông lần hai của KLS sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ hôm nay. Tỉ lệ cổ phần biểu quyết tối thiểu để đại hội có tính pháp lý là 51%.