11:00 21/08/2008

Đại sứ Mỹ: “Việt Nam nên tiếp tục duy trì biện pháp chống lạm phát"

Thùy Trang

Trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam về một số vấn đề chính trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước

Đại sứ Mỹ Michael W.Michalak.
Đại sứ Mỹ Michael W.Michalak.
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những biện pháp để kiềm chế lạm phát, nhưng nên tiếp tục duy trì trong một thời gian dài, ít nhất 2-3 quý nữa, để đảm bảo công việc đó thực sự thành công.

Đại sứ Mỹ Michael W.Michalak đã đưa ra thông điệp này tại buổi họp báo kỷ niệm một năm ông đảm nhiệm trọng trách Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong vòng 18 tháng qua?

Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới nên sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu đã đến Việt Nam. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng quá lớn đã là một nhân tố thúc đẩy lạm phát ở Việt Nam. Tôi tin Chính phủ Việt Nam đã ứng phó tốt đối với lạm phát và sự đi xuống của nền kinh tế.

Hiện nay còn quá sớm để nói tất cả các biện pháp đều thành công. Nhưng cho đến thời điểm này, với những con số mà chúng ta có được thì mọi chuyện diễn ra tốt.

Thông điệp hiện nay dành cho Chính phủ Việt Nam là hãy duy trì quá trình này trong ít nhất 2-3 quý.

Tôi hình dung khi các chỉ số tốt hơn, thông thường người ta phải chịu áp lực rằng thành công rồi chúng ta không phải tiếp tục các chương trình khắc phục nữa, chúng ta hãy giảm lãi suất và bắt đầu chi tiêu. Hầu hết các chuyên gia mà tôi gặp đều nói còn quá sớm để thay đổi tiến trình này, các chương trình khắc phục kinh tế rất tốt nhưng cần duy trì trong một thời gian dài để đảm bảo lạm phát đã được kiểm soát.

Được biết Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị một dự thảo về việc tiếp tục giám sát hàng dệt may của Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Liệu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush có thông qua dự thảo này không?

Chương trình giám sát dệt may sẽ kết thúc khi nhiệm kỳ của chính quyền hiện nay kết thúc. Tôi cũng biết có một dự thảo về việc tiếp tục chương trình này nhưng tôi không biết tình trạng của dự thảo này đang ở đâu. Theo tôi, thậm chí nó chưa được chuyển đến các uỷ ban của Quốc hội. Tôi cho rằng nó vẫn ở trong giai đoạn sơ khai, cần phải chờ đợi thêm thời gian để xem dự thảo này sẽ được ủng hộ đến mức nào.

Về hiệp ước đầu tư song phương (BIT), hai nước đã đi được đến đâu trong quá trình đàm phán?

Chúng tôi đã đi đến nhất trí trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 6 vừa qua là sẽ có đàm phán, cho đến giờ đã có những phiên trao đổi sơ bộ. Chúng tôi vẫn còn đang trong quá trình đi đến thống nhất về ngày của phiên đàm phán đầu tiên. Tôi cho rằng có thể phiên này sẽ diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Trên thực tế, Hiệp định BTA và WTO đã mở cánh cửa rất rộng cho các nhà đầu tư rồi. Với lượng FDI thu hút được khổng lồ như hiện nay, hai bên mong muốn thêm điều gì nữa từ việc ký kết Hiệp định BIT này?

Tất nhiên chúng ta đã có những quy định về đầu tư ở trong Hiệp định thương mại song phương BTA hay quy định của WTO, ngoài ra còn có những thảo luận về đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định khung về thương mại và đầu tư TIFA.

Trong những hiệp định chúng ta đã có mà chúng tôi thường gọi là WTO+, là những hiệp định kêu gọi Mỹ và Việt Nam cần có sự tự do thương mại hơn nữa, có những cam kết lớn hơn so với những cam kết và điều khoản hiện có của WTO.

Hiệp định đầu tư song phương mang lại sự bảo vệ về pháp lý của hai nước lên một tầm cao mới. Chúng tôi thường gọi là các tiêu chuẩn “vàng” hay tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, giúp bảo vệ cho công tác đầu tư của hai nước. Như vậy, mỗi khi nhà đầu tư cảm thấy đáng tin cậy hơn và an toàn hơn, họ sẽ đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, tôi cho rằng với Hiệp định đầu tư song phương chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn nữa.

Liên quan đến quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), theo ông, Việt Nam sẽ có được quy chế này sớm nhất khi nào?

Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin hưởng quy chế GSP từ 1,5-2 tháng trước đây. Theo quy định, cần thời gian 60 ngày để nhận xét về đơn của Việt Nam. Khoảng thời gian 60 ngày này vừa kết thúc. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời nhận xét. Tất nhiên có nhiều lời nhận xét ủng hộ trao GSP cho Việt Nam. Nhưng cũng có những nhận xét trong đó nêu ra những quan ngại về nhiều vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn người lao động ở Việt Nam...

Chúng tôi đã có một số trao đổi về GSP. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có quyền nói với Việt Nam rằng nếu Việt Nam đáp ứng yêu cầu đặt ra, chúng tôi sẽ trao ngay GSP. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất tốt với Chính phủ Việt Nam về những vấn đề đáng quan tâm. Chính phủ Việt Nam đã hình dung được những công việc cụ thể để làm trong những bước đi tiếp theo. Tôi hi vọng chúng ta sẽ có những tiến bộ cụ thể.