09:24 08/08/2011

Đánh giá của Standard & Poor's về Mỹ bị cho là “tệ hại”

Diệp Anh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner phàn nàn về việc Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm cao nhất của nước này

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Ông tuyên bố sẵn sàng đương đầu với công việc quan trọng ở phía trước, những thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Ông tuyên bố sẵn sàng đương đầu với công việc quan trọng ở phía trước, những thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner hôm qua (7/8) đã thông báo với Tổng thống Barack Obama rằng, ông sẽ không từ chức và tiếp tục đảm nhiệm công việc hiện nay, hãng tin AFP cho hay.

Trước đó, hôm 5/8, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's quyết định hạ bậc tín nhiệm cao nhất của Mỹ từ AAA xuống còn AA+. Ngay sau động thái này, một số nhân vật hàng đầu thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Bộ trưởng Timothy Geithner từ chức.

Thượng nghị sĩ Jim DeMint cho rằng, Tổng thống Obama nên yêu cầu ông Geithner từ chức ngay lập tức và thay thế ông ta bằng một người có thể giúp Washington “tập trung vào việc cân bằng ngân sách và cho phép lĩnh vực tư nhân tạo việc làm”. 

Tương tự, hạ nghị sĩ Marsha Balckburn cho rằng, việc ông Geithner từ chức ngay lập tức là bước đi cần thiết vì đã đến lúc cho một sự lãnh đạo tài chính mới ở Washington. Một số nhân vật Cộng hòa khác, trong đó có bà Michelle Bachmann, ứng viên tổng thống của đảng này, cũng đưa ra lời kêu gọi ông Geithner ra đi.

Ông Geithner nhấn mạnh, ông quyết định ở lại, cho dù kinh tế có xáo trộn và một số người trong phe Cộng hòa hối thúc ông từ chức. Ông tuyên bố sẵn sàng đương đầu với công việc quan trọng ở phía trước, những thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt.

Phản ứng về động thái của Standard and Poor's, ông Geithner đã chỉ trích đó là "một đánh giá tệ hại". "Tôi cho rằng Standard & Poor's thật sự đã cho thấy một đánh giá tệ hại, chứng tỏ thiếu hiểu biết nghiêm trọng về ngân sách tài chính cơ bản của Mỹ và tôi nghĩ họ chắc chắn đã đưa ra một kết luận sai lầm", ông nói.

Theo một người phát ngôn của Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama tỏ ra hài lòng khi thấy Bộ trưởng Geithner tiếp tục công việc của mình.

Trong một diễn biến khác có liên quan tới vấn đề nợ công, kết thúc cuộc họp hôm 7/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua các trái phiếu do các chính phủ thuộc khu vực đồng Euro (Eurozone) phát hành trên thị trường thứ cấp.

ECB tuyên bố vấn đề cơ bản đối với các quốc gia thành viên Eurozone là "khởi động Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trên thị trường thứ cấp", một khi ECB nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường tài chính và các rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Ngoài ra, ECB cũng hoan nghênh thông báo của Italy và Tây Ban Nha về những cải cách tài chính và cơ cấu, cũng như cam kết của các nước thành viên Eurozone đóng góp cho những nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng nợ.