“Đánh úp” bất ngờ, VN-Index bốc hơi 2,16%, thanh khoản cao đột biến 3 tháng
Trưa nay thị trường bỗng lan truyền rộng rãi thông tin bất lợi liên quan đến một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Không rõ đây có phải tác động trực tiếp hay không, nhưng thị trường vừa mở cửa trở lại đã bắt đầu giảm mạnh và càng lúc lực bán càng lớn, thậm chí chuyển sang bán tháo toàn diện. VN-Index chạm đáy lúc 2h04 và giảm tới trên 29 điểm...
Trưa nay thị trường bỗng lan truyền rộng rãi thông tin bất lợi liên quan đến một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Không rõ đây có phải tác động trực tiếp hay không, nhưng thị trường vừa mở cửa trở lại đã bắt đầu giảm mạnh và càng lúc lực bán càng lớn, thậm chí chuyển sang bán tháo toàn diện. VN-Index chạm đáy lúc 2h04 và giảm tới trên 29 điểm.
Một điểm dễ thấy là tốc độ giảm giá nửa đầu phiên chiều rất nhanh. Đầu tiên là các blue-chips vốn đã yếu từ sáng, bị bán cực mạnh. Đặc biệt nhóm trụ VIC, VHM, VRE giảm cực mạnh: Lúc chạm đáy, VIC giảm tới 6,54% so với tham chiếu, VHM giảm 6,44%, VRE giảm 5,66%. Ngay cả khi đã hồi lại một chút thì đóng cửa, đây vẫn là các mã giảm sâu nhất rổ VN30: VIC chốt giảm 6,43% so với tham chiếu, VHM giảm 5,35%, VRE giảm 4,4%. Chỉ 3 mã này đã lấy đi 5,8 điểm khỏi VN-Index.
Rất nhiều blue-chips khác cũng giảm cộng hưởng với bộ ba nhà Vin nói trên. Đầu bảng là VCB giảm 2,73%, BID giảm 1,94%. Hai cổ phiếu này tuy giảm nhẹ hơn nhiều mã khác, nhưng vốn hóa thậm chí còn lớn hơn cả VIC lẫn VHM. Những mã giảm rất sâu còn lại có thể kể tới SHB giảm 3,45%, VPB giảm 3,02%, MSN giảm 2,88%, TPB giảm 2,86%, PLX giảm 2,76%, STB giảm 2,81%... Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm 2,57% so với tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều đỏ, với 17 mã giảm từ 2% trở lên.
Ảnh hưởng của nhóm trụ dĩ nhiên quá lớn, khiến VN-Index bốc hơi hàng chục điểm và tâm lý nhà đầu tư khó mà bình tĩnh được. Sự hoảng loạn bắt đầu dâng cao; HoSE chốt phiên sáng còn có 241 mã tăng và 226 mã giảm. Chỉ sau 30 phút mở cửa buổi chiều, độ rộng co lại còn 133 mã tăng/391 mã giảm. Lúc VN-Index chạm đáy, chỉ còn 86 mã tăng/481 mã giảm. Tại thời điểm này, rổ VN30 có tới 17 mã giảm trên 3% so với tham chiếu. Toàn sàn HoSE có tròn 100 mã giảm trên 3%. Tuy nhiên cũng chỉ có 9 cổ phiếu giảm tới mức sàn, đều là các mã không quan trọng.
Khoảng 30 phút còn lại của đợt khớp lệnh liên tục là thời điểm bên mua hành động. Một lượng lớn các lệnh mua treo giá thấp bất ngờ bị khớp đã đẩy thanh khoản lên cao. Sau đó có thêm một nhịp mua chủ động nữa, giúp thị trường phục hồi dần. VN-Index quay đầu đi lên và đạt đỉnh hồi khoảng 14h25, còn giảm hơn 10 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên ít phút còn lại và đợt ATC bán lại xuất hiện, ép chỉ số đóng cửa giảm 2,16% tương đương -24,34 điểm.
Độ rộng HoSE lúc đóng cửa rất kém, với 118 mã tăng/437 mã giảm, tức là khả năng phục hồi không đáng kể. Trong số giảm có 83 mã giảm trên 2% và 71 mã giảm trong biên độ 1% tới 2%. Như vậy số giảm sâu không nhiều, ảnh hưởng quá lớn tới điểm số là do nhóm VN30.
Các mã có khả năng đi ngược dòng giữa phiên hoảng loạn hôm nay là rất đáng chú ý. Tuy nhiên thanh khoản cũng là điều phải cân nhắc, vì rất nhiều mã giao dịch quá nhỏ để có thể đảm bảo giá là tin cậy. Trong nhóm tăng có 9 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng, 19 mã thanh khoản trong khoảng 20 tỷ tới dưới 100 tỷ. Một số mã đáng chú ý là PDR tăng 2,74% với 918,2 tỷ đồng; NKG tăng 1,16% với 470,6 tỷ; HAG tăng 1,33% với 318,2 tỷ; SZC tăng 2,07% với 143,4 tỷ; ITA tăng 6,65% với 109,2 tỷ; VSC tăng 1,97% với 97,8 tỷ; KSB tăng 1,57% với 94,9 tỷ…
Khối ngoại chiều nay cũng góp phần đẩy mạnh sự hoảng loạn khi vẫn bán ra rất nhiều. Cụ thể, khối này xả thêm 947,8 tỷ đồng nữa trên HoSE và mua vào 605,4 tỷ, tương ứng bán ròng 342,4 tỷ. Phiên sáng khối này đã xả ròng 405,1 tỷ. Tính chung cả ngày có tới 747,5 tỷ đồng được rút khỏi sàn này, là mức cao kỷ lục kể từ phiên ngày 13/9/2023 với 1.172 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu thuộc VN30 bị bán ròng tới 663,5 tỷ, đáng kể là VHM -180,8 tỷ, STB -85,9 tỷ, MWG -64,5 tỷ, VCB -55,2 tỷ, VPB -42,7 tỷ, VRE -39,7 tỷ, VIC -35,7 tỷ; SHB -32,4 tỷ.
Phiên bán tháo hôm nay và có lực cầu bắt đáy mới cuối phiên đã đẩy thanh khoản lên rất cao. Tổng khớp lệnh HoSE và HNX đạt 25.548 tỷ đồng, tăng 73% so với hôm qua và là mức cao nhất 8 tuần. Bất kể mức thanh khoản này là kết quả của bán tháo hay không, đều có kết quả chung là một lượng lớn cổ phiếu (1,32 tỷ đơn vị) và lượng lớn tiền được trao tay.