15:45 16/11/2023

Đáo hạn phái sinh, cơ sở hưởng lợi

Kim Phong

Lực cầu mạnh lên chút ít trong đợt ATC cũng đã đủ kéo nhiều blue-chips thoát khỏi vùng đỏ, hệ quả là VN-Index bất ngờ đổi màu. Lúc kết đợt khớp lệnh liên tục chỉ số đang đỏ 3,13 điểm, nhưng đóng cửa lại là xanh 3,03 điểm. Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh và biến động đóng cửa đã giúp thị trường cơ sở hồi phục...

VN-Index bật mạnh những phút cuối trong phiên đáo hạn phái sinh.
VN-Index bật mạnh những phút cuối trong phiên đáo hạn phái sinh.

Lực cầu mạnh lên chút ít trong đợt ATC cũng đã đủ kéo nhiều blue-chips thoát khỏi vùng đỏ, hệ quả là VN-Index bất ngờ đổi màu. Lúc kết đợt khớp lệnh liên tục chỉ số đang đỏ 3,13 điểm, nhưng đóng cửa lại là xanh 3,03 điểm. Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh và biến động đóng cửa đã giúp thị trường cơ sở hồi phục.

VN30-Index đóng cửa cũng tăng nhẹ 0,7 điểm tương đương +0,06%. Giao dịch cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số này giảm 5,56 điểm. Độ rộng cuối ngày ghi nhận 16 mã tăng/14 mã giảm.

Không có nhiều cổ phiếu tăng mạnh so với tham chiếu, nhưng loạt cổ phiếu nhảy giá đều thuộc nhóm trụ: VCB từ 86.800 đồng lên 88.000 đồng, tương đương nhảy 1,38% và đóng cửa thành tăng 0,34% so với tham chiếu. TCB từ 31.500 đồng nhảy lên 31.700 đồng, thành tăng 0,48% so với tham chiếu. CTG, HPG, FPT, MSN, ACB, STB, HDB… là các blue-chips khác cũng đổi màu thành công ở đợt ATC.

Việc thị trường biến động thất thường trong ngày đáo hạn phái sinh là điều đã được lường trước. Tuy nhiên nếu chỉ thuần túy kéo trụ, thị trường sẽ bỏ qua diễn biến chỉ số vì nó không mang tính đại diện. Dù vậy đợt ATC hôm nay đà tăng cũng lan tỏa khá tốt. Cụ thể, trước khi bước vào đợt ATC, độ rộng của VN-Index ghi nhận 177 mã tăng/312 mã giảm. Đóng cửa đã có 218 mã tăng/280 mã giảm. Hàng trăm cổ phiếu thay đổi giá theo hướng tích cực không thể chỉ là kết quả thuần túy của hành động kéo trụ, mà phải thực sự có lực cầu tăng lên.

Sự cải thiện giá về cuối ngày tiếp tục phù hợp với diễn biến dao động nhỏ trong cả ngày với nền thanh khoản thấp. Do giá không tăng giảm nhiều nên lực mua lẫn lực bán đều yếu và cung cầu không gặp nhau. Chỉ cần một bên tăng cường độ lên, giá có thể thay đổi theo hướng thuận chiều một cách dễ dàng. Đợt ATC là một kết quả như vậy.

Nhiều cổ phiếu blue-chips được kéo lên dễ dàng trong đợt ATC với thanh khoản không lớn.
Nhiều cổ phiếu blue-chips được kéo lên dễ dàng trong đợt ATC với thanh khoản không lớn.

Trong 280 cổ phiếu còn đỏ trên HoSE hôm nay, chỉ 32 mã giảm trên 1%. Thanh khoản nhóm này chỉ chiếm 2,4% tổng giá trị khớp của sàn. Thực ra cũng chỉ vài mã là giao dịch lớn như VRE giảm 1,04% với 101,9 tỷ, TPB giảm 1,13% với 90,7 tỷ, FRT giảm 1,33% với 53,1 tỷ, BMP giảm 1,35% với 22,9 tỷ.

Phía tăng giá tuy ít hơn về số lượng, nhưng trong 218 mã xanh có 97 mã tăng trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 53,3% sàn. Tới 17 mã trong nhóm tăng trên 1% này giao dịch vượt 100 tỷ đồng. Dẫn đầu là DIG tăng 5,03% với 720,6 tỷ, SSI tăng 1,1% với 606,5 tỷ, VIX tăng 2,75% với 578,7 tỷ, NVL tăng 3,08% với 495,5 tỷ, PDR tăng 3,59% với 452,5 tỷ… Rõ ràng là độ rộng lẫn chỉ số không phản ánh hết giao dịch, dòng tiền tổng thể dù yếu, nhưng vẫn có sự tập trung nhất định và thúc đẩy được giá lên.

Tính chung cả phiên, HoSE và HNX khớp lệnh 14.747 tỷ, giảm tới 28% so với hôm qua, xuống mức thấp nhất 7 phiên. Dù vậy nếu tính riêng chiều nay, dòng tiền đã có tín hiệu cải thiện khi hai sàn giao dịch hơn 8.498 tỷ đồng, tăng 36% so với buổi sáng. Hiệu ứng của lực cầu tăng và áp lực bán yếu là giá cổ phiếu đổi màu dễ dàng.

Khối ngoại chiều nay cũng giao dịch cân bằng hơn, mua thêm 691,7 tỷ đồng và bán ra 663,8 tỷ, tương ứng mua ròng 27,9 tỷ. Phiên sáng khối này xả ròng 152,7 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu bị bán ròng nhiều hôm nay là đã từ sáng, như VHM -87,9 tỷ, MWG -80,8 tỷ, VNM -66,9 tỷ, VRE -56,1 tỷ, FRT -34,1 tỷ, GAS -289 tỷ, STB -25,4 tỷ. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị khối này xả ròng hơn 320 tỷ đồng. Một số mã được mua ròng khá là SSI +43,2 tỷ, KBC +277 tỷ, DIG +24,4 tỷ, VIX +23,5 tỷ, VND +22,4 tỷ.