10:07 17/04/2022

Đâu chỉ khu vực nhà nước mới có tham nhũng

Nguyễn Quốc Uy

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ban hành ngày 6/4/2022, nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy và các tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước…”...

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn

Lâu nay, hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện và bị xử lý, kể cả xử lý hình sự, đều xảy ra ở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị của đất nước và các cá nhân vi phạm đều là cán bộ, đảng viên đương chức hoặc đã nghỉ hưu từ các cơ quan, đơn vị này, mà nhân dân thường quen gọi là “cán bộ nhà nước”.

Vì lẽ ấy, các vụ tham nhũng, lãng phí, khi bị phát hiện, gần như được người đời mặc định gắn cho cái mác “nhà nước”, theo nghĩa: chỉ “người nhà nước” mới tham ô, lãng phí (?).

Có người thậm chí còn lý giải “chỉ những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền mới có điều kiện tham nhũng”.

Thực tế, không hoàn toàn như vậy.

Có thể nói đã xảy ra không ít những vụ tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Chỉ có điều các trường hợp bị phát hiện và xử lý là số ít, do các cơ quan chức năng chủ yếu tập trung vào công tác phòng, chống tham nhũng ở khu vực nhà nước để “làm trong sạch bộ máy” thuộc hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo luật định, bất kể hành vi này xảy ra ở khu vực nhà nước hay ở ngoài khu vực nhà nước.

Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14, được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/11/2018, quy định rất cụ thể các hành vị tham nhũng ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, hành vi được coi là tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ và đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng nhiều người có liên quan bị khởi tố, bị bắt tạm giam trong thời gian vừa qua chính là những vụ án điển hình liên quan đến các hoạt động kinh tế bị cáo buộc là vi phạm pháp luật ở khu vực ngoài nhà nước.

Phan Quốc Việt, Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng rõ ràng không phải là “người nhà nước”, không thuộc “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Nhưng họ đã vụ lợi bất chính về kinh tế, nên bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra. Các hoạt động của họ, nếu kết quả điều tra xác định là vi phạm pháp luật, thì không chỉ gây hại về nhiều mặt đối với doanh nghiệp tư nhân của họ, mà hại nhất là uy tín bị đánh sập trên các thị trường, đồng thời còn tạo nhiều tác động tiêu cực chưa thể lường hết đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ở các mức độ khác nhau, tùy từng trường hợp cụ thể.

Vụ Công ty Việt Á “làm xiếc” và “thổi” giá bộ kit xét nghiệm Covid-19 khiến họ mang về doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, chẳng hạn, nếu đúng như kết quả điều tra ban đầu, không chỉ làm thiệt hại ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mà còn làm hỏng hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước bằng việc hối lộ họ để họ xác nhận và “tung hê” chất lượng “đạt chuẩn quốc tế” đối với các bộ kit mang danh Việt Á, hoặc quyết định chi tiền nhà nước ra mua với giá đắt các sản phẩm này, dưới chiêu bài “đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân” trong mùa dịch. Đấy là chưa kể việc những bộ kit xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn quy định của WHO này được sử dụng có thể gây hại đối với sức khỏe người dân, làm giảm uy tín của ngành y tế nước ta.

Rõ ràng là khu vực ngoài nhà nước cũng có tham nhũng.

Thực tế trên đặt ra nhiệm vụ phải “mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”, như yêu cầu mà Bộ Chính trị nêu tại Kết luận số 12/KL-TW.

Đây là một chủ trương đúng và hết sức cần thiết.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương này, về mặt lý thuyết, sẽ góp phần đẩy lùi, co hẹp nạn tham nhũng ở nước ta, đồng thời bảo đảm sự công bằng trước pháp luật cho mọi công dân làm việc ở các khu vực khác nhau, không có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, để “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” .