Dầu khí “dắt” blue-chips tụt giá, VN-Index lại mất ngưỡng 1500 điểm
Dòng tiền có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh chiều nay khiến lực đẩy tại nhóm cổ phiếu blue-chips suy yếu. Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong rổ Vn30 đều yếu phiên sáng và các chỉ số chốt phiên mất gần hết điểm. VN-Index tụt về 1.498,89 điểm...
Dòng tiền có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh chiều nay khiến lực đẩy tại nhóm cổ phiếu blue-chips suy yếu. Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong rổ Vn30 đều yếu phiên sáng và các chỉ số chốt phiên mất gần hết điểm. VN-Index tụt về 1.498,89 điểm.
Bất ngờ lớn nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt quay đầu giảm. Giá dầu Brent lẫn dầu WTI vẫn duy trì mức tăng trên 2% trong trọn phiên giao dịch của Việt Nam, nhưng cổ phiếu dầu khí xuất hiện lực bán khá lớn.
GAS rơi rất sốc ngay trong 30 phút đầu tiên sau khi thị trường mở cửa trở lại. Từ giá 120.100 đồng cuối phiên sáng, GAS cắm đầu xuống 117.000 đồng, tương đương giảm 2,6% trong một nhịp và giảm 1,7% so với tham chiếu. Nỗ lực lấy lại độ cao bất thành sau đó và cuối phiên GAS tiếp tục giảm 1,51% so với tham chiếu.
Loạt cổ phiếu dầu khí đóng cửa trong sắc đỏ còn có PLX giảm 1,58%, PVD giảm 3,93%, PVT giảm 2,8%, PVS giảm 2,87%, PVG giảm 5,03%, PCG giảm 4,39%, BSR giảm 3,51%... Chỉ còn vài mã trụ được trên tham chiếu như PTV, PCN, POV, PVO, PVC, PGC.
Tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu dầu khí là GAS vốn hóa rất lớn. Cổ phiếu này từ chỗ là trụ đỡ chỉ số buổi sáng, đảo ngược thành một trong những mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. PLX cũng lọt Top 10 mã phía giảm của chỉ số.
Một trụ cũng gây thất vọng không kém là VIC, càng về cuối phiên giảm càng mạnh. VIC sau khi phá đáy ngắn hạn trong phiên rơi tự do hôm qua, rủi ro đã gia tăng khi rất nhiều người bắt đáy bị lỗ. VIC đóng cửa với mức giảm 1,25%.
Độ rộng của VN30 cuối ngày không quá tệ với 14 mã tăng/13 mã giảm. Tuy vậy điểm mấu chốt là các cổ phiếu đã không duy trì được sức mạnh buổi sáng. Thống kê có tới 27/30 mã của rổ này tụt giá trong phiên chiều, chỉ 3 mã tiến lên cao hơn. Ngoài dầu khí, tất cả các cổ phiếu ngân hàng cũng suy yếu, kể cả VPB là mã mạnh nhất nhóm. VPB đóng cửa trên tham chiếu 3,52% nhưng thực chất là giảm 0,65% so với giá cuối phiên sáng.
VN30-Index đóng cửa chỉ còn tăng được 0,29% so với tham chiếu, yếu hơn đáng kể so với mức tăng 0,79% cuối phiên sáng. Một trong những nguyên nhân khiến blue-chips đi lùi là dòng tiền không đảm bảo sức mạnh. Cả rổ VN30 chiều nay chỉ giao dịch được 3.537 tỷ đồng, giảm 34% so với phiên sáng. Các mã ngân hàng bị xả nhiều, ví dụ VPB giao dịch tới 466,3 tỷ đồng buổi chiều mà giá trượt càng về cuối càng rõ. SSI, HPG, CTG, MBB, STB cũng thanh khoản nhiều theo hướng bán ra và giá yếu dần.
Điểm còn tốt trong phiên chiều là mức độ tụt giá chưa gây nên xáo trộn lớn trong giao dịch, hầu hết là thu hẹp mức tăng. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên vẫn còn 324 mã tăng/126 mã giảm. Số mã kịch trần tăng lên 16 và số tăng trên 1% còn 150 mã (so với 174 mã buổi sáng). Như vậy mặt bằng giá nhìn chung không yếu đi quá nhiều. VN-Index kết phiên còn tăng nhẹ 4,04 điểm tương đương 0,27% là do các cổ phiếu blue-chips kém.
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục hấp dẫn cả về giá lẫn dòng tiền. Midcap tăng 1,14%, Smallcap tăng 1,09%. Với tổng thanh khoản giảm tới 28% so với hôm qua, dĩ nhiên mức sụt giảm thanh khoản xuất hiện ở tất cả các nhóm cổ phiếu. Tuy vậy Midcap vẫn là rổ chiếm tỷ trọng cao nhất sàn HoSE với gần 43%, trong khi VN30 là 36,1%.
VPB tiếp tục là cổ phiếu thanh khoản nhất với xấp xỉ 1.890 tỷ đồng. Tuy vậy GEX cũng giao dịch 1.144 tỷ đồng, VND, KBC, DXG, DPM là các mã thuộc top 10 ngoài VN30 cũng đều giao dịch trên 500 tỷ đồng hôm nay.
Thiếu vắng sức mạnh của các blue-chips và VN-Index chủ yếu dựa vào VPB – cổ phiếu thực ra cũng đã suy yếu về cuối – khiến chỉ số tăng không đủ duy trì trên mốc 1.500 điểm. Điểm tích cực còn lại là dòng tiền dường như đã phục hồi đáng kể. Giá trị khớp lệnh trung bình của hai sàn niêm yết tuần này đạt gần 29,3 ngàn tỷ đồng mỗi ngày. Đây là mức trung bình cao nhất 5 tuần vừa qua.