09:42 06/06/2023

Đầu mùa cao điểm du lịch, nhiều quốc gia đã phải hạn chế số lượng du khách

Tường Bách

Du lịch, hàng không phục hồi nhanh như dự kiến cùng với tình trạng thiếu lao động đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại một số sân bay châu Âu và Bắc Mỹ vào mùa hè năm ngoái. Năm nay, mọi việc có nguy cơ lặp lại…

Nhật Bản thừa nhận rằng hàng triệu du khách có thể là con dao hai lưỡi. Ảnh: Japan Times
Nhật Bản thừa nhận rằng hàng triệu du khách có thể là con dao hai lưỡi. Ảnh: Japan Times

Tuần qua, lãnh đạo các hãng hàng không đang tham dự cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng về bộ máy nhân lực, nhằm hạn chế lặp lại tình trạng hỗn loạn như năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có một số cảnh báo rằng những chuyến bay vẫn có thể bị chậm trễ bởi các cuộc đình công. Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA cho biết, ông tin tưởng rằng thông qua các bước chuẩn bị hợp lý, ngành hàng không và du lịch thế giới sẽ có thể vượt qua mùa hè cao điểm năm nay mà không gặp quá nhiều gián đoạn.

TỪ CHÂU ÂU…

Trong khi đó, một số điểm đến tại châu Âu và châu Á không cần lo sợ về đình công hay gián đoạn, mà thậm chí đã phải đau đầu đối phó với quá tải du lịch ngay từ đầu mùa cao điểm du lịch hè. Lanzarote (Tây Ban Nha) mới đây đã tuyên bố mình là khu vực bão hòa du lịch - nghĩa là có quá nhiều du khách, gây áp lực cho người dân địa phương và nguồn lực ít ỏi của đảo. Thị trưởng thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) cũng tuyên bố du lịch là một thử thách lớn với địa phương, và sẽ tìm kiếm thêm các biện pháp giới hạn để đảm bảo chất lượng sống cho người dân. 

Lanzarote (Tây Ban Nha) tuyên bố mình là khu vực bão hòa du lịch.
Lanzarote (Tây Ban Nha) tuyên bố mình là khu vực bão hòa du lịch.

Tại Áo, thị trấn Hallstatt được cho là nguồn cảm hứng cho ngôi làng Arendelle trong bộ phim nổi tiếng Frozen của Walt Disney. Số người đổ về Hallstatt nhiều đến mức thị trấn gần đây đã phải dựng hàng rào để ngăn du khách chụp ảnh selfie. Hiện thị trấn đang tìm cách hạn chế tình trạng quá tải bằng cách đưa ra giới hạn về số lượng xe bus và ô tô có thể vào thị trấn hàng ngày. Trên thực tế, số xe và du khách tới đây thường xuyên đạt giới hạn và Thị trưởng Hallstatt nói với báo chí Áo rằng cư dân chỉ muốn được sống yên ổn.

Italy mới đây cũng giới hạn lượng khách đến các bãi biển mùa hè, đồng thời thu vé vào cửa với một số bãi biển và khách phải đặt chỗ trước 72 giờ. Chẳng hạn, khách đến tắm biển ở Cala Goloritze phải trả phí vào cửa 6 euro một người và phải đặt trước qua một ứng dụng có tên Cuore di Sardegna ít nhất 72 tiếng. Khoản phí này dùng để chi trả cho việc giám sát, chỗ đậu xe, nhà vệ sinh trên bãi biển. Tại Cala Mariolu, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của Sardinia, khoản phí là 1 euro cho mỗi hành khách. Còn bãi biển san hô màu hồng nhạt La Pelosa tính phí là 3,5 euro để giữ lượng du khách ở mức 1.500 người mỗi ngày. 

Trước đây, vào những ngày nắng nóng từng có tới 38.000 người tới bãi biển La Pelosa (Italy) bơi lội.
Trước đây, vào những ngày nắng nóng từng có tới 38.000 người tới bãi biển La Pelosa (Italy) bơi lội.

Cũng tại châu Âu, Dubrovnik một thành phố đẹp như tranh vẽ trên bờ biển Adriatic của Croatia, đây cũng là bối cảnh của loạt phim nổi tiếng Trò chơi vương quyền. Những siêu tàu du lịch mang tới hàng nghìn du khách mỗi ngày, khiến những con phố và các tòa nhà lịch sử của thành phố thường chật cứng. Nhằm giải quyết tình trạng này, Dubrovnik đã thực hiện một số biện pháp quản lý du lịch, bao gồm hạn chế số lượng du khách có thể vào trung tâm lịch sử của thành phố mỗi ngày và áp dụng thuế du lịch để hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng.

… TỚI CHÂU Á

Với châu Á, thống đốc Bali (Indonesia) Wayan Koster tuần trước đã công bố kế hoạch đóng cửa 22 ngọn núi ở Bali với tất cả khách du lịch, bao gồm núi Batur nổi tiếng, theo hãng thông tấn Antara. "Cần phải đánh giá toàn diện để điều chỉnh việc nhập cảnh của khách du lịch nước ngoài. Ví dụ, có thể xem xét giới hạn 7 triệu cá nhân dựa trên các tiêu chí nhất định. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tính toán chất lượng du lịch nhằm bảo tồn văn hóa của người Bali”, Thống đốc Bali Wayan Koster cho hay.

Người dân Bali đã chán ngấy cảnh giao thông ùn tắc và du khách say xỉn trên các bãi biển. 
Người dân Bali đã chán ngấy cảnh giao thông ùn tắc và du khách say xỉn trên các bãi biển. 

Theo SCMP, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 4/2023 dự kiến ​​đạt 2,9 triệu, bằng số lượng du khách vào tháng 4/2019. Nhưng trong khi các doanh nghiệp lữ hành đang chào đón sự trở lại của du khách nước ngoài, họ thừa nhận rằng hàng triệu du khách có thể là con dao hai lưỡi. Nhiều nhà khai thác cho biết đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng quá tải. Avi Lugasi, chủ sở hữu và Giám đốc điều hành của Công ty du lịch "Windows to Japan" ở Kyoto cho biết: “Tôi vô cùng lo ngại về vấn đề đó và đây là điều mà chính tôi đã chứng kiến ​​trong vài ngày qua.

Hiện chính phủ nước này muốn khuyến khích nhiều du khách nước ngoài tránh xa các điểm đến truyền thống như Tokyo, Kyoto hoặc Hiroshima và khám phá nhiều địa điểm khác, nhưng cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy chính sách đó có tác dụng. Hiện chính quyền tỉnh Okinawa cho biết sẽ giới hạn khoảng 1.200 du khách mỗi ngày đến các hòn đảo thuộc phía Nam Nhật Bản. Theo đó, từ tháng 4/2023, Okinawa sẽ đặt mục tiêu giới hạn tổng số lượt khách du lịch hàng năm tới đảo Iriomote là 330.000 người.

Trước khi đại dịch bùng phát, hàng năm có khoảng 300.000 khách du lịch đến thăm Iriomote (Okinawa), nơi dân số chỉ đạt 2.400 người. 
Trước khi đại dịch bùng phát, hàng năm có khoảng 300.000 khách du lịch đến thăm Iriomote (Okinawa), nơi dân số chỉ đạt 2.400 người. 

Có thể nói, khi thế giới trở nên nhỏ bé nhờ những chuyến bay hiện đại nhanh hơn và giá vé rẻ hơn, ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu giới hạn số lượng du khách quốc tế. Những điểm đến không cần du khách ghé thăm có lý do chính đáng của riêng mình. Chẳng hạn, những nơi đông đúc du khách vượt quá giới hạn bền vững thường có giá cả tăng cao, giá nhà ở cũng vậy, người dân địa phương không thể sống cuộc sống bình thường, thiên nhiên bị phá hủy, ô nhiễm môi trường...

Theo nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững của Đại học Breda, việc hạn chế luồng du khách quá đông là một chiến dịch nhiều năm chứ khó thể thực hiện một sớm một chiều. Người trong cuộc thường có cảm tưởng như đang bơi ngược dòng đến nỗi phải đuối sức. Công việc này càng khó hơn, vì bên cạnh việc thu hút thành phần khách du lịch “chất lượng”, thì chính quyền mỗi nơi còn phải thay đổi hẳn hình ảnh của điểm đến trong mắt du khách nước ngoài.