22:06 06/09/2009

Đấu thầu điện tử sẽ giúp chi tiêu công tiết kiệm hơn

Anh Quân

Cục Quản lý Đấu thầu và KOICA vừa thực hiện bàn giao Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS)

Bàn giao hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm - Ảnh: Anh Quân.
Bàn giao hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm - Ảnh: Anh Quân.
Ngày 4/9, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã thực hiện bàn giao Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS).

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Đặng Huy Đông, sau 8 tháng triển khai, đến nay Dự án đã xây dựng thành công hệ thống đấu thầu điện tử (e-bidding) phù hợp với quy trình đấu thầu của Việt Nam.

Với hệ thống EPPS, các cơ quan tham gia vào Dự án kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho công tác đấu thầu, giúp cho hoạt động này tiết kiệm, hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu được hành vi tham nhũng trong đấu thầu lâu nay.

Về khía cạnh kinh tế, Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam Lee Wook Heon cho biết, hệ thống mua sắm chính phủ điện tử không những nâng cao tính minh bạch, mà còn giảm được nhiều chi phí về mặt hành chính cho Chính phủ, thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Giám đốc công nghệ của Samsung SDS giải thích thêm rằng, thông qua đấu thầu trực tuyến sẽ cắt giảm được số ngày và chi phí đi lại tham gia dự thầu, nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Cũng đánh giá cao tính hiệu quả của hệ thống EPPS, ông Đông dự đoán rằng đấu thầu qua mạng sẽ có thể giúp giảm từ 10 - 20% chi phí giao dịch trong đấu thầu cho cả bên mời thầu và nhà thầu, thông qua việc tự động hóa các quy trình đấu thầu.

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu tính toán rằng: mua sắm công ở Việt Nam thường chiếm khoảng 40% GDP, giả định 10% tổng số tiền mua sắm công được thực hiện bằng hình thức điện tử với khả năng giảm 10% chi phí, Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 6,7 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 0,4 tỷ USD.

Về mặt kỹ thuật, hệ thống EPPS cho phép công tác sơ tuyển, phát hành hồ sơ mời thầu, thỏa thuận liên danh, nộp hồ sơ dự thầu, kiến nghị về kết quả đấu thầu, thông báo kết quả… đều có thể được thực hiện trên mạng.

Yêu cầu về bảo mật thông tin cũng được đáp ứng thông qua việc áp dụng chữ ký số. Ngược lại, EPPS cũng cho phép nhà cung cấp có điều kiện tiếp cận các nội dung đấu thầu, bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu để tham gia dự thầu.

“Dự án không chỉ đem lại lợi ích cho Chính phủ và các nhà thầu, mà còn góp phần giúp người dân dễ dàng hơn trong giám sát hoạt động chi tiêu công của Chính phủ”, ông Đông nói.

Cũng theo ông Đông, EPPS có thể tự động hóa các quy trình đấu thầu bắt buộc, do đó cả bên mời thầu và nhà thầu không thể làm chệch hướng được các quy trình này.

Việc này sẽ “hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, nhờ đó giúp giảm thiểu cơ hội móc ngoặc, tham nhũng trong đấu thầu”, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu nhận định.

* EPPS là dự án thành phần của Đề án ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 3,37 triệu USD, trong đó KOICA tài trợ không hoàn lại 3 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm, từ 2009 đến 2011.

Dự án được thiết kế và phát triển thông qua Công ty Samsung SDS của Hàn Quốc và Trung tâm Công nghệ thông tin  thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng hệ thống EPPS với phần cốt lõi là đấu thầu điện tử và thử nghiệm hệ thống tại 3 đơn vị: UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Sau khi triển khai thử nghiệm thành công, EPPS sẽ chuyển sang giai đoạn 2, mở rộng hệ thống với các chức năng e-shopping (mua sắm điện tử), e-contracting (quản lý hợp đồng điện tử), e-payment (thanh toán điện tử), và áp dụng từng bước với các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp và tiến tới mở rộng cho mọi thành phần kinh tế.