14:02 23/12/2021

Đầu tư thông minh cho nước sạch để không ai bị bỏ lại phía sau

Chương Phượng

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 lít/người/ngày…

Đến năm 2030, 65% dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Đến năm 2030, 65% dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vừa công bố chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với mục tiêu về nước sạch, Chiến lược này cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

 
Đến năm 2045, 100% người dân sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

UNICEF tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự đầu tư bài bản để tìm ra những giải pháp đồng bộ, có tính bền vững, lâu dài thay vì đầu tư vào những giải pháp tình thế như hiện nay.

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là công cụ chính sách trọng yếu, định hướng hành động. Giúp cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh, quan trọng hơn giúp đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.

Trên cơ sở đó, UNICEF khuyến cáo Chiến lược nước sạch cần tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Cần có sự đầu tư đủ và sáng suốt, đây không phải là phí tổn mà là đầu tư thông minh, chi nhiều hơn cho nước sạch, vệ sinh nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nếu phân bổ phù hợp sẽ tối ưu hóa được nguồn ngân sách và tiếp cận với tất cả người dân có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các địa bàn nghèo, vùng sâu, vùng xa, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, cần có sự tiếp cận đa dạng, phối hợp liên ngành, đòi hỏi công tác chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý. Ngoài ra, trong lĩnh vực vệ sinh, xử lý chất thải rắn hiện nay còn may mún, cần tìm ra giải pháp toàn diện, trên quy mô lớn. Việt Nam sẽ không thể xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn nếu bỏ qua vấn đề nước sạch, vệ sinh nông thôn.