15:43 15/11/2023

Đẩy mạnh giảm nghèo về thông tin ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhật Dương

Theo các chuyên gia, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay chiếm 3/4 diện tích cả nước, phần lớn thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, song có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc thông tin tuyên truyền cho đồng bào ở các khu vực này là rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo...

 Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin đối với chương trình giảm nghèo. Ảnh - N.Dương.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin đối với chương trình giảm nghèo. Ảnh - N.Dương.

Sáng 15/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Trong chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện dự án giảm nghèo về thông tin, với những mục tiêu rất cụ thể như: Nâng cao năng lực truyền thông; nâng cao kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là đối với các vùng núi, vùng sâu, xùng xa, hải đảo, đến người dân sinh sống tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội nghị, các giảng viên sẽ cung cấp các thông tin tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất, về chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai là các chính sách về dân tộc và miền núi. Thứ ba là kỹ năng viết bài, truyền thông về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Với những nội dung thiết thực như vậy, Ban tổ chức hy vọng sẽ ngày càng tăng cường sự phối hợp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và các phóng viên, biên tập viên, để góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo nói chung”, bà Hằng nhấn mạnh.

Thông tin về chuyên đề Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2015, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều, bên cạnh dịch vụ việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở và nước sạch.

Tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt thông tin nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bao gồm: Sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Trong đó, mức độ thiếu hụt sử dụng dịch vụ viễn thông được đo lường bằng việc hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet.

Ở phương diện hộ gia đình là không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin gồm: Phương tiện dùng chung như tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; phương tiện cá nhân như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Ông Thắng đánh giá nội dung này rất quan trọng, bởi hiện nay, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc thiếu tivi, radio, máy tính để bàn thì cần quan tâm đến việc nếu những thiết bị này thì thì họ sử dụng như thế nào.

“Tôi đi phỏng vấn ở Hà Giang, có thực tế rất nhiều hộ nghèo được cấp tivi, radio, nhưng chưa bao giờ mở ra, không xem, không nghe, và thời gian đâu mà nghe. Ví dụ đồng bào Mông ở Hà Giang đi làm từ 3 giờ sáng đến 9 – 10 giờ tối mới về thì xem tivi vào lúc nào”, ông Thắng dẫn chứng.

Từ đó, chuyên gia cho rằng, việc cấp thiết bị cho hộ nghèo cũng có hai mặt, bởi cần định hướng tốt, đánh giá đúng thực trạng, có thiết bị nhưng dùng như thế nào là nội dung cần phản ánh khách quan, do đó việc thông tin đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay chiếm 3/4 diện tích cả nước với khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% dân số, và thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng lại có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng.

“Chỉ cần một sự cố xảy ra, cả đất nước rung chuyển như vụ việc tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, từ đó việc lấy lại lòng tin sẽ vô cùng khó khăn”, ông Thắng nói.

Vì vậy, ông Thắng cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tác động rất mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nước ta hiện có hơn 5.000 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong đó, vùng dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới có 9,8 triệu người thì có 9,6 triệu người là người dân tộc thiểu số. Do đó, họ có vai trò rất quan trọng trong giữ rừng, giữ nước, giữ biên cương của Tổ quốc.

Các phóng viên, biên tập viên tham dự hội nghị. Ảnh - N.Dương.
Các phóng viên, biên tập viên tham dự hội nghị. Ảnh - N.Dương.

Cũng tại hội nghị, các học viên còn được lắng nghe chuyên gia trình bày nhiều nội dung khác liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi; kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Kết thúc hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hằng đánh giá, các thông tin được chia sẻ tại hội nghị rất hữu ích cho các phóng viên, biên tập viên. Từ đó, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công tác truyền thông về xóa đói giảm nghèo nói chung và dự án truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng.