14:48 19/12/2023

Đề án xây dựng nhà xã hội mới đạt 4,7% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025

Thanh Xuân

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn khoảng cách xa so với mục tiêu. Bởi đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, nhưng tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành vẫn thấp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành là 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 634.200 căn.

CÒN KHOẢNG CÁCH XA SO MỤC TIÊU

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam( Vars) đánh giá Đề án đề ra mục tiêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của công nhân lao động. Đồng thời cũng là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro. Đặc biệt, việc giải quyết nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội còn là “chìa khóa” giải tỏa vấn đề lệch pha cung cầu. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Tuy nhiên, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, cho rằng mặc dù các cơ quan, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo, ban hành những chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển; kịp thời giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu. Song thực tế tại một số địa phương, công tác triển khai thực còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới kết quả thực thi. Đặc biệt một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn tồn tại, gây cản trở trong quá trình triển khai, khiến nguồn cung nhà ở xã hội “nhỏ giọt”.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận định việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp những năm qua quả thật chưa đạt kết quả mong muốn. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ khâu chuẩn bị đầu tư, do các dự án gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, điển hình là việc thực hiện quy định phương pháp định giá đất chưa thống nhất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện… hay trong khâu thực hiện dự án cũng trở ngại, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ chưa cụ thể, thủ tục còn rắc rối...

KỲ VỌNG TỪ "TRỢ LỰC" CHÍNH SÁCH

Song, nhiều ý kiến cũng nhận định tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ có kết quả tích cực bởi những “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi mới đây, với nhiều quy định “gỡ khó” cho người mua lẫn chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, sẽ tạo sức hấp dẫn và thu hút thêm doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này, cũng như tăng khả năng tiếp cận cho người thu nhập thấp.

Cụ thể, theo Luật Nhà ở mới, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhận được hàng loạt ưu đãi “thật” với cơ chế thông thoáng. Trong đó, việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không chỉ giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư; mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án (trừ phần diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất trong dự án) mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội rút ngắn khoảng 1 năm. Ngoài ra việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội cũng giúp chủ đầu tư thêm lợi nhuận, từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với chủ đầu tư.

Đặc biệt, Luật Nhà ở mới còn có điểm tiến bộ, gỡ khó cho người dân, đó là bãi bỏ điều kiện cư trú với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

“Mặc dù còn ít nhất 1 năm nữa, quy định trong Luật Nhà ở mới chính thức “đi” vào cuộc sống, nhưng những điểm mới này đã phần nào tác động đến tâm lý của người mua nhà lẫn kế hoạch, định hướng phát triển của chủ đầu tư”, Vars nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, những nội dung trong Luật Nhà ở sửa đổi sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị và cán bộ, công chức, công nhân lao động các khu công nghiệp… “Là điểm tựa cơ bản cho quá trình tái cấu trúc, hồi phục và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, rất cần được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm để triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời”, ông Thịnh lưu ý.