14:28 14/03/2024

“Đế chế quảng cáo” Oscar giúp các thương hiệu kiếm tiền như thế nào?

Minh Anh

Ngoài những bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, lễ trao giải Oscar còn có sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng. Đây vẫn tiếp tục là điểm đến hàng đầu để các thương hiệu thể hiện độ “chịu chi” trong việc tài trợ…

Quang cảnh lễ trao giải Oscar 2024.
Quang cảnh lễ trao giải Oscar 2024.

Lễ trao giải Oscar 2024 đã chứng kiến 19,5 triệu lượt xem trực tiếp, tăng 4% so với năm ngoái, theo báo cáo từ nhà đài. Một báo cáo từ Reuters cũng bổ sung thêm rằng trên mạng xã hội, giải thưởng Oscar được xếp hạng là chương trình số một vào tối Chủ nhật (đêm phát sóng), tạo ra 28,5 triệu lượt tương tác.

“XUẤT” QUẢNG CÁO CHÁY HÀNG

Với số lượng xem “khủng” như vậy, giá tiền quảng cáo dù cao ngất ngưởng nhưng vẫn “cháy hàng”. Theo Adweek, Disney Advertising - đơn vị phụ trách quảng cáo phát sóng trong lễ trao giải Oscar - được cho là đã rao mức giá từ 1,7 triệu USD đến 2,2 triệu USD cho một quảng cáo dài 30 giây, cao hơn một chút so với năm trước. Toàn bộ số lượng quảng cáo đã được bán hết sớm. Disney Advertising đã có được nhiều nhà tài trợ đại diện cho 17 hạng mục bao gồm may mặc, ô tô, đồ uống, giải trí, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, chăm sóc thú cưng...

Vì sao với mức giá quảng cáo đắt đỏ đến như vậy, các thương hiệu vẫn phải “giành giật” để được xuất hiện từ vài phút, cho đến vỏn vẹn vài giây trong lễ trao giải? Theo các chuyên gia, dù đây là một phương pháp marketing truyền thống, nhưng chiếm được sự chú ý trực tiếp của người xem và gây ấn tượng mạnh với họ, tạo nên độ phủ về truyền thông. Số liệu từ Brandzooka nêu rõ: 56% người tiêu dùng cho biết quảng cáo trên truyền hình là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhận thức của họ về sản phẩm hoặc dịch vụ, cao hơn tất cả các quảng cáo trên truyền thông khác cộng lại (40%).

Vì giải thưởng Oscar được cả thế giới theo dõi, nên các thương hiệu xuất hiện trên quảng cáo cũng được tất cả mọi người trên thế giới biết tới; và đây cũng là mong muốn của tất cả những người đứng đầu thương hiệu. Có thể thấy, nếu được xuất hiện trên quảng cáo trong buổi phát sóng của lễ trao giải này, mọi thương hiệu đều có cơ hội đưa ra chiến lược marketing thu hút nhất để quảng bá sản phẩm của mình.

Với mức giá quảng cáo đắt đỏ, các thương hiệu vẫn phải “giành giật” để được xuất hiện vài phút hoặcvỏn vẹn vài giây.
Với mức giá quảng cáo đắt đỏ, các thương hiệu vẫn phải “giành giật” để được xuất hiện vài phút hoặcvỏn vẹn vài giây.

“Trong thời đại mà sự chú ý chỉ đo được bằng tích tắc, mọi thứ nếu muốn có được sự chú ý thì phải liên tục làm mới hàng giờ”, Pavan Padaki, chiến lược gia về làm thương hiệu, chia sẻ với tờ ET. “Nó hoàn toàn là một chiến lược marketing ‘ngay và luôn’, đặt nặng trách nhiệm về mặt truyền thông và sáng tạo để mang lại sự phù hợp của thương hiệu với người xem". Các chuyên gia cũng cho biết, các thương hiệu sử dụng những quảng cáo mang tính thời sự như vậy để hỗ trợ việc gợi nhớ đến thương hiệu và tăng cường sự chú ý của người tiêu dùng cũng như mức độ liên quan tới người xem.

CUỘC ĐUA TÀI TRỢ “KHỦNG”

Ngoài quảng cáo, nhiều thương hiệu sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ để tài trợ cho sự kiện Oscar. Theo ước tính, trung bình số tiền mà các thương hiệu bỏ ra để tài trợ trang phục cho người nổi tiếng tham gia sự kiện là 1 triệu USD, chưa kể các mức phí phát sinh. “Bởi vì các thương hiệu không muốn chỉ tài trợ cho một người nổi tiếng, họ muốn tài trợ cho nhiều người và thường bao gồm không chỉ trang phục, đội ngũ stylists và mọi thứ khác được yêu cầu, mà còn cả thù lao cho những người nổi tiếng”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.

Khi những người nổi tiếng bước trên thảm đỏ đình đám của lễ trao giải Oscar, về cơ bản họ là những biển quảng cáo cho nhiều thương hiệu và sản phẩm khác nhau. Các thương hiệu càng có độ nhận diện cao hơn khi những người nổi tiếng này nói về họ trong những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng tại thảm đỏ, và đặc biệt thành công rực rỡ về mặt truyền thông nếu một người nổi tiếng đang diện các sản phẩm của họ thắng giải.

“Đế chế quảng cáo” Oscar giúp các thương hiệu kiếm tiền như thế nào? - Ảnh 1
“Đế chế quảng cáo” Oscar giúp các thương hiệu kiếm tiền như thế nào? - Ảnh 2
 

Phương pháp marketing trực tiếp này gợi nhớ đến khoảnh khắc huyền thoại vào năm 2014, khi Ellen DeGeneres - người dẫn chương trình cho lễ trao giải Oscar năm đó - đã cùng hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng cùng chụp ảnh selfie bằng chiếc điện thoại Samsung trên sân khấu. Bức ảnh đã nhận được hơn 3 triệu retweet trên mạng xã hội X (Twitter lúc bấy giờ) và đánh sập cả nền tảng xã hội này.

Dòng tweet của DeGeneres được các chuyên gia đánh giá có thể mang lại hơn 800 triệu USD. Được biết, Samsung đã trả 20 triệu USD cho hợp đồng tài trợ và quảng cáo với ABC, đài truyền hình phụ trách phát sóng trực tiếp lễ trao giải Oscar để sản phẩm của mình được xuất hiện trên chương trình.

CƠ HỘI TỪ NHỮNG TÚI QUÀ

Ngoài ra, những chiếc túi quà tặng sang trọng được trao cho người dẫn chương trình và những người được đề cử càng giúp gắn kết thương hiệu với địa vị ưu tú của giải Oscar. Chiếc túi quà tặng trị giá sáu con số cũng là cơ hội quý giá để các thương hiệu nhỏ, ít tên tuổi nâng cao vị thế của mình và nhận được sự chú ý và tán thành từ giới thượng lưu Hollywood.

Lash Fary, nhà sáng lập của Distinctive Assets, đơn vị gửi tặng túi quà cho những ngôi sao nhận được đề cử giải thưởng Oscar chia sẻ: “Ví dụ như có một công ty nhỏ tên là Hot Tea Coffee House, họ sản xuất các sản phẩm tắm cao cấp. Người chủ là một bà mẹ đơn thân bị điếc và sản phẩm của cô đã được lựa chọn tham gia vào túi quà năm ngoái và cả năm nay. Năm ngoái, khi được báo chí nhắc đến dù chỉ một lần, cô ấy đã bán hết toàn bộ hàng hóa trong kho. Cô ấy đã nhắn tin cho tôi rằng: Bây giờ tôi đang rơi nước mắt. Tôi không thể cảm ơn đủ vì cơ hội này…”

Túi quà trị giá gần 180 nghìn USD cho những ngôi sao được đề cử của giải thưởng Oscar 2024.
Túi quà trị giá gần 180 nghìn USD cho những ngôi sao được đề cử của giải thưởng Oscar 2024.

Được biệt, những túi quà dành cho 25 đạo diễn, diễn viên được đề cử giải Oscar năm nay có tổng trị giá lên tới 178.000 USD mỗi túi, theo một tài liệu đã được CNBC kiểm chứng. Chiếc túi này có hơn 50 món quà, từ khối rubik 15 nghìn đô cho đến đêm nghỉ dưỡng trị giá 50 nghìn đô tại một resort trượt tuyết ở Thụy Sĩ.

Các thương hiệu phải trả khoản phí là 4.000 USD để sản phẩm của mình có được một chỗ trong túi quà, với niềm hy vọng rằng khoản đầu tư này sẽ đem lại kết quả theo cách nào đó. Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng những người nổi tiếng này sẽ sử dụng sản phẩm của họ, nhưng ít ra thương hiệu của họ đã được giới Hollywood biết tới. Còn nếu may mắn những ngôi sao sử dụng các sản phẩm, sẽ có khả năng họ sẽ đăng bài về sản phẩm đó - hoặc ít ra là được bắt gặp đang sử dụng trong một khoảnh khắc đời thường nào đó.

“Ai cũng đều muốn được trúng số,” Lash Fary chia sẻ. “Nhưng bạn không thể thắng nếu bạn không mua vé số. Và trở thành một phần của túi quà tặng này cũng giống như việc mua một tấm vé số chắc chắn thắng giải vậy, không bao giờ lỗ”.