Để mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”…
Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất đã diễn ra chiều 10/12 tại Quảng Nam. Hội nghị là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, hội nghị đã thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
TIẾP CẬN TỔNG THỂ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN BỀN VỮNG
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng cần đặt lợi ích cộng đồng địa phương lên cao nhất. "Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương song song với phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, việc phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn; đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Nhiều địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như Lào Cai, Quảng Nam, Cần Thơ...
Để thúc đẩy mạnh mẽ du lịch nông thôn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đưa ra một số gợi mở như: Cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương song song với phát triển kinh tế.
Phát triển du lịch nông thôn cần đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách. Đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. "Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc để triển khai những sáng kiến, cách làm mới nhằm phát triển du lịch nông thôn theo phương châm "mỗi làng một sản phẩm"; "mỗi người dân là một đại sứ du lịch"; "mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc"," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism trao giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism cho làng rau Trà Quế (Hội An).
KHAI THÁC TỐI ĐA TIỀM NĂNG
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định các sản phẩm du lịch nông thôn phản ánh nét bình dị, lam lũ của người nông dân được du khách yêu thích và muốn trải nghiệm. "Đây chính là chiều sâu văn hóa", Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại Hội nghị. Theo ông, du khách muốn được khám phá những nét đẹp của đời sống, con người Việt Nam thân thiện và mến khách. Và Việt Nam với 70% dân số ở khu vực nông thôn, được xác định là "vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn".
Tuy vậy, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam còn nhiều thách thức và khó khăn bởi các bản làng ở nơi xa xôi. Để thu hút khách, cần giải quyết một loạt vấn đề gồm hạ tầng, chính sách, làm mới sản phẩm cũng như đảm bảo nét đặc sắc, tiêu biểu. Một giải pháp khác là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối các làng và thông qua công cụ này để quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến. "Chỉ có con đường bằng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên nghiệp hơn chứ không phải tự phát như thời gian vừa qua", Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bày tỏ vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết đây là cơ hội quý giá để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh. “Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường,” Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nêu quan điểm.
“Chúng tôi kiên định trong cam kết đặt du lịch nông thôn vào vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. Bằng cách đó, chúng ta khai thác tối đa tiềm năng to lớn của các cộng đồng nông thôn, biến câu chuyện của họ thành nguồn cảm hứng và cơ hội toàn cầu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong bày tỏ sự tin tưởng với sự hội tụ của đông đảo các chuyên gia với thực tiễn kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn, đóng góp quý báu từ các đại biểu, sự chia sẻ, thảo luận tại hội nghị lần này và nhiều sáng kiến sẽ được triển khai thời gian tới sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển du lịch nông thôn toàn cầu trong tương lai.
“Những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch. Ngược lại, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành vùng quê đáng sống…,” theo Thứ trưởng Hồ An Phong.
Theo bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism, hội nghị này là một cột mốc quan trọng của UN Tourism, là cam kết mạnh mẽ của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc trong việc ưu tiên phát triển nông thôn như nền tảng cho sự phục hồi và bền vững toàn cầu.
"Chúng ta có mặt ở đây không chỉ để thảo luận, đưa ra định hướng phát triển du lịch nông thôn mà còn lan tỏa các giá trị, tiềm năng của du lịch như một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi cuộc sống, trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế- xã hội," bà Zoritsa Urosevic nhấn mạnh.