14:40 13/07/2011

Đề nghị miễn, giảm thuế: “Còn cách nào khác không?”

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh kiên nhẫn đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân liên quan đến đầu tư chứng khoán

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không tán thành miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không tán thành miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.
Dù không nhận được sự đồng tình cao từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn kiên nhẫn đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân liên quan đến đầu tư chứng khoán.

Cho ý kiến về một số giải pháp về thuế của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân tại phiên họp sáng 13/7, đa số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn.

“Tôi thấy chưa yên tâm”

Nhận xét rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách “thực chất là không tán thành”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng giải pháp giảm thuế cho doanh nghiệp là “không đúng bệnh”. Vì, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vốn, mà lãi suất rất cao là vấn đề bức xúc nhưng không giải quyết được.

“Tôi thấy chưa yên tâm, còn cách nào khác hơn không, chứ cách này chưa trúng vấn đề”, ông Thuận nói.

Chủ nhiệm Thuận cũng chia sẻ với cơ quan thẩm tra nỗi quan ngại về hụt thu ngân sách từ chính sách này, trong khi chưa rõ phương án bù đắp.

Năm 2011 sẽ hụt trên 11 nghìn tỷ đồng, con số này rất lớn, lấy gì để bù đắp phải báo cáo rất rõ với Quốc hội, nên tính toán kỹ cả hai mặt được và mất của chính sách để nghĩ ra giải pháp tốt hơn, Chủ nhiệm Thuận đề nghị.

Tiếp cận từ quy định của pháp luật về thẩm quyền quyết định trong chính sách thuế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long Long phân tích, việc miễn, giảm đồng loạt không phù hợp với pháp luật thuế hiện nay.

Thuế được miễn “không lớn”

Khá nhiều nội dung cụ thể trong đề xuất của Chính phủ cũng chưa nhận được sự đồng tình cao của cơ quan thẩm tra và một số ý kiến thảo luận, trong đó có việc miễn thuế cho một số trường hợp liên quan đến đầu tư chứng khoán.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không tán thành miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (không thu thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng) từ 1/8 năm nay đến hết năm 2012 như đề nghị của Chính phủ.

Việc miễn thuế đối với cổ tức được chia từ đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chưa thuyết phục được cơ quan thẩm tra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn kiên nhẫn. Ông giải thích, cổ tức và lãi từ tiền gửi tiết kiệm là tương đồng, và cổ tức là tiền có được do đầu tư “thì còn khó hơn nên đề nghị cho miễn”. Số thuế này, theo Bộ trưởng “thực ra là không lớn”.

Riêng với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, theo Bộ trưởng Ninh cách làm hiện nay cơ bản tính theo 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng nên thực tế là lỗ vẫn bị đánh thuế. Việc cứ có giao dịch là đánh thuế, theo giải thích của ông Ninh, là bất hợp lý.

Trong khi, thực tế thị trường chứng khoán từ năm 2009 đến nay chỉ số VN-Index luôn giảm điểm (ngày 31/12/2009 là 495,36 điểm, đến 31/12/2010 còn 486,66 điểm; trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số Vn-Index giảm khoảng 53 điểm - từ 485,72 điểm trong phiên giao dịch đầu năm xuống còn 432,54 điểm vào ngày 30/6/2011, tương đương giảm gần 11%), xét trên bình diện tổng thể, nhà đầu tư hầu như không có thu nhập, thậm chí lỗ.

Vì vậy, “không phải chỉ miễn cho năm nay mà còn miễn đến hết sang năm, khi Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân”, ông Ninh đề nghị.

Riêng với thuế thu nhập từ tiền công, tiền lương, trước phân tích “chỉ mang tính động viên” của nhiều ý kiến, vị “tư lệnh” ngành tài chính ngập ngừng: “Tùy Thường vụ quyết định”.

Ông Ninh cũng cho biết sẽ trình ra Quốc hội phương án thu để bù đắp ngân sách chi tiết hơn.

Nhấn mạnh là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét việc chuẩn bị của các cơ quan chức năng, còn thẩm quyền quyết định miễn, giảm thuế là của Quốc hội, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục cân nhắc, hoàn chỉnh báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.