Để Việt Nam trở thành điểm hẹn của du khách chi tiêu cao
Những năm gần đây, Việt Nam đã đón nhiều tỉ phú, triệu phú tổ chức các sự kiện trọng đại. Gần nhất, cuối tháng 8/2024, một tỉ phú ngành dược của Ấn Độ đã đưa 4.500 nhân viên du lịch Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình…
Theo báo cáo của Henley & Partners năm 2023, có 28.420 triệu phú trên toàn thế giới - những người có tài sản có thể đầu tư ít nhất 100 triệu USD. Sự gia tăng về mặt tài sản của nhóm người này dẫn tới sự chuyển đổi trong quan điểm và ưu tiên. Từ việc tìm kiếm sự nổi bật và đẳng cấp tại các điểm đến, tầng lớp thượng lưu trọng xã hội chuyển sang tìm kiếm sự riêng tư, yên bình và trải nghiệm độc đáo. Đáng chú ý, họ vẫn có xu hướng trải nghiệm dịch vụ sang trọng để khẳng định sự giàu có, quyền lực, địa vị nhưng cũng rất tinh tế về các giá trị văn hóa, di sản.
CHI TIÊU CAO HƠN, LƯU TRÚ DÀI HƠN
Những năm gần định vị thương hiệu du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Theo giới chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nhóm khách hàng siêu giàu, bởi sự đa dạng, phong phú trong cảnh sắc thiên nhiên, thậm chí, nhiều điểm đến độc đáo vẫn đang trên hành trình được khám phá. Việt Nam cũng là một điểm đến giàu có về mặt văn hóa, lịch sử; giúp du khách có được những trải nghiệm sâu sắc với văn hóa bản địa.
Khách du lịch xa xỉ thường chú trọng an ninh, an toàn nên Việt Nam, với nền chính trị và xã hội ổn định, là điểm đến được ưu tiên. Bằng chứng là vài năm trở lại đây, nhiều ngôi sao, tỷ phú, doanh nhân tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn các trải nghiệm du lịch riêng tư tại Việt Nam. Như trong tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. Hay khu nghỉ dưỡng P’apiu resort (Hà Giang) cũng đã đón ba đoàn khách siêu giàu, trong đó đoàn đầu tiên là một cặp đôi tỉ phú Mỹ (tháng 12/2022), tiếp theo là cặp đôi vợ chồng tỉ phú Thái Lan (tháng 9/2023) và đoàn khách các thiếu gia Mỹ (tháng 12/2023)...
Dù không nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp du lịch hướng tới phục vụ nhóm khách siêu giàu đang dần gia tăng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp cận nhóm khách hàng “chịu chi” nhưng không bao giờ ra mặt trục tiếp này. Chưa kể, nhóm du khách này dùng các dịch vụ và trải nghiệm giúp họ thể hiện sự giàu có và sang trọng như nghỉ ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, đi máy bay hạng thương gia hoặc chuyên cơ, ưa thích các dịch vụ cao cấp, sang trọng và độc đáo.
Tại hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng ngành du lịch cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ và dự báo cho hướng đi sắp tới để đạt kết quả cao hơn, đặc biệt ở phân khúc khách du lịch cao cấp đến Việt Nam. Ông Hồ An Phong đánh giá, điều quan trọng hơn các con số là chất lượng khách đến Việt Nam, làm sao để khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group cho rằng, sản phẩm du lịch cao cấp ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở mức cao nhất thì sản phẩm du lịch cao cấp bản chất cuối cùng là phải để lại ấn tượng gì cho khách, một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm sâu sắc không thể quên hay một cảm nhật bất ngờ dành cho du khách… để du khách bỏ chi tiêu một cách xứng đáng.
Chia sẻ về kinh nghiệm đón đoàn 4.500 khách của tỉ phú Ấn Độ đến Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết các vị khách đặc biệt này sau khi trải nghiệm lắc thúng ở Hội An, đã nói “Excellent!” khi bước lên bờ. “Ông tiết lộ, doanh nghiệp đã phải thuê 5 thợ lặn, lặn ở bên dưới, tìm hiểu cái thúng được làm như thế nào, trát keo ra sao, thử nghiệm cho người nặng ký ngồi trước xem thúng có bị ảnh hưởng hay không.
Thậm chí, công ty phải tìm được người lắc thúng giỏi nhất. “Phải làm dịch vụ an toàn đến mức để du khách an tâm, cảm thấy hưng phấn đến tột cùng. Tôi cho rằng đó là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng sản phẩm cao cấp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
VAI TRÒ CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Thực tế, sản phẩm dịch vụ cao cấp không thể thiếu chất lượng dịch vụ cung ứng, và sự tỉ mỉ trong sắp xếp và chuẩn bị dịch vụ một cách thực sự chu đáo. Tất cả để du khách có thể cảm nhận sự khác biệt và sản phẩm chạm tới cảm xúc của khách hàng. Bà Ngô Thị Hương, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing của Vinpearl, cho rằng điều quan trọng nhất trong xây dựng sản phẩm cao cấp là hiểu khách hàng, xác định họ là ai, họ muốn gì.
“Chúng tôi luôn luôn làm khảo sát về khách hàng và tiếp cận theo thị trường để xác định dịch vụ khách hàng cần, từ đó phát triển sản phẩm để tiếp cận đến đối tượng khách hàng mục tiêu”, bà Ngô Thị Hương nói và khẳng định “may đo” được sản phẩm theo từng tệp khách hàng sẽ thúc đẩy khách chi tiêu nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch. Song hành với việc có những sản phẩm độc đáo thì giá cả phải ở mức độ phù hợp để tạo thế cạnh tranh. Từ đó bảo đảm phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đây là yếu tố quan trọng cần ưu tiên thực hiện để khẳng định vị trí của du lịch Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp, có chất lượng.
Ở góc độ địa phương, cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho biết tháng 1/2025, Hạ Long sẽ đăng cai Lễ hội Nghệ thuật vì Khí hậu (Art for Climate Halong Bay), với hơn 200 tỷ phú USD từ châu Âu và châu Á dự kiến tham dự. Họ sẽ đến Hạ Long bằng du thuyền cá nhân. Hướng tới ra mắt những sản phẩm du lịch cao cấp dành cho giới thượng lưu, từ nay đến cuối năm tỉnh Quảng Ninh sẽ tìm, xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm phục vụ nhóm khách tỷ phú, siêu sang.
Trong cuộc họp hôm 10/10 về các giải pháp xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy du lịch các tháng cuối năm 2024, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Ninh yêu cầu khẩn trương đưa vào khai thác ba bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên vịnh Hạ Long và xây dựng phương án tổ chức sản phẩm biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc nhẹ trong một số hang động đủ điều kiện trên Vịnh.
Ngoài các sản phẩm trên, giai đoạn cuối năm, tỉnh Quảng Nính sẽ công bố các sản phẩm du lịch mới và các sự kiện, hoạt động lớn, như đại nhạc hội Hàn Quốc - Việt Nam, giải Halong Bay Heritage Marathon 2024, giải chạy xuyên biên giới Việt - Trung, tuần văn hóa du lịch Bình Liêu, tổ chức chuyến tàu du lịch đầu tiên tham quan trải nghiệm trên vịnh Bái Tử Long vào tháng 10...
Quảng Ninh cũng tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch tại các khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là thị trường tiềm năng phía nam như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai.