11:30 07/10/2024

Đã có hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng qua

Tường Bách

Các con số cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024. Đa số các thị trường phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 9/2024. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số 12,6 triệu lượt cả năm 2023. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2024 ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, so với tháng 8/2024, lượng khách tháng này giảm 11,9%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của siêu bão Yagi vào miền Bắc với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch ở nhiều trọng điểm du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang… và hoàn lưu sau bão còn gây ra lũ lụt nhiều ngày ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, làm gián đoạn hoạt động đi lại, du lịch. Nhiều đơn vị đã có đông khách đặt tour, đặt phòng và dịch vụ liên quan, nhưng phải hủy do ảnh hưởng của bão.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt người, chiếm 13,8% và tăng 68,1%; bằng đường biển đạt gần 165.700 lượt người, chiếm 1,3% và tăng 158,7%.

10 thị trường gửi khách hàng đầu 9 tháng đầu năm 2024 (nghìn lượt). Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê.
10 thị trường gửi khách hàng đầu 9 tháng đầu năm 2024 (nghìn lượt). Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến trong 9 tháng qua.

Tiếp theo là Đài Loan (954 nghìn lượt), Mỹ (579 nghìn lượt), Nhật Bản (529 nghìn lượt), Malaysia (357 nghìn lượt).Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.

Về động lực tăng trưởng, trong 9 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 141,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (+30,3%), Nhật Bản (+27,6%), Đài Loan (+65,8%).

Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+91,9%),Philippines (+59,5%), Lào (+14,4%), Campuchia (+12,4%), Malaysia (+6,9%), Singapore (+5,4%). Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng tốt (+27,0%). Riêng thị trường Thái Lan giảm 14,3%.

Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường chính như Anh (+19,9%), Pháp (+28,1%), Đức (+23,3%). Bên cạnh đó là Italy (+55,1%), Tây Ban Nha (+24,8%), Nga (+80,5%), Đan Mạch (+22,1%), Na Uy (+15,7%), Thụy Điển (+22,8%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.

So với thời điểm trước đại dịch, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, phục hồi ở mức 305% so với trước dịch. Hầu hết các thị trường Đông Nam Á cũng phục hồi tốt: Campuchia đạt mức 300%, Indonesia đạt mức 171%, Lào đạt mức 155%, Philipin đạt mức 134%, Singapore đạt mức 112%. Riêng Thái Lan (87%) và Malaysia (82%) phục hồi ở mức thấp hơn.

Mức phục hồi một số thị trường so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê
Mức phục hồi một số thị trường so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Ở Đông Bắc Á, thị trường lớn nhất Hàn Quốc phục hồi tốt, đạt 110%,Đài Loan đạt mức 147%. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 68%, Nhật Bản ở mức 74%. Ở châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 103%, Ý đạt mức 119%, Đức đạt mức 107%. Anh và Pháp gần phục hồi hoàn toàn với 95% và 92%. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt năm 2019, đạt mức 102%, Úc đạt mức 122%.

Nhìn chung, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực 9 tháng đầu năm 2024, đa số các thị trường phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 3 tháng để ngành du lịch bứt tốc đón khoảng 5 triệu lượt khách, kéo theo quan ngại về khả năng ngành du lịch không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay, khi thị trường trọng điểm trước dịch là Trung Quốc vẫn cách khá xa mức phục hồi hoàn toàn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết dù vừa trải qua nhiều khó khăn do cơn bão số 3 gây ra, số liệu của ngành du lịch so với "đỉnh cao" năm 2019 có tín hiệu tích cực.

Đại diện Cục Du lịch quốc gia cho rằng tuy thị trường lớn nhất của Việt Nam trước dịch là Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn nhưng tốc độ tăng trưởng từ tháng 7 đến nay khá khả quan. Bù lại nữa, chúng ta đã khai thác khá tốt nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường khách châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch… và đặc biệt là thị trường Ấn Độ.

So với thời điểm trước đại dịch, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, phục hồi ở mức 305% so với trước dịch.
So với thời điểm trước đại dịch, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, phục hồi ở mức 305% so với trước dịch.

Để đón lượng khách Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia đã xây dựng chiến lược đẩy mạnh xúc tiến du lịch với thị trường đông dân nhất thế giới này. Cụ thể, các sự kiện đã được tổ chức như: Ngày Việt Nam tại Ấn Độ, diễn đàn xúc tiến du lịch giữa 2 quốc gia, các chương trình giới thiệu du lịch tại các hội chợ quốc tế...

Bên cạnh việc các hãng hàng không của Việt Nam mở thêm đường bay thẳng tới các thành phố lớn của Ấn Độ, Cục Du lịch quốc gia cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ các hành vi tiêu dùng cũng như sở thích của người Ấn Độ. Đây là những sản phẩm du lịch cao cấp, đặc thù để đáp ứng nhóm khách có nhu cầu chi tiêu cao đến từ Ấn Độ. Đặc biệt, trong tháng 10 này, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành, các địa phương có điểm đến hấp dẫn để tổ chức chương trình quảng bá du lịch VN với quy mô lớn tại Ấn Độ.

"Cùng với đó, quý 4 là thời điểm vàng để các điểm du lịch của Việt Nam hút khách quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu khi các nước này bước vào mùa nghỉ đông. Do vậy, con số 17 - 18 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 vẫn là mục tiêu khả thi", đại diện Cục Du lịch quốc gia nhìn nhận.