18:33 21/03/2024

Đề xuất bố trí gần 10.650 tỷ đồng xử lý 8 dự án BOT thua lỗ

Thanh Thủy

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép bố trí gần 10.650 tỷ đồng vốn nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án BOT do bộ quản lý….

8 dự án BOT thua lỗ được đề xuất bố trí gần 10.650 tỷ đồng khắc phục khó khăn, vướng mắc - Ảnh minh họa
8 dự án BOT thua lỗ được đề xuất bố trí gần 10.650 tỷ đồng khắc phục khó khăn, vướng mắc - Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình số 2451/TTr – BGTVT gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

CHIA 8 DỰ ÁN BOT THÀNH 3 NHÓM

Căn cứ nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết là đã thực hiện các bước theo đúng trình tự và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc 8 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hơn 1.550 tỷ đồng cho hai dự án doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15 - 19% so với hợp đồng và dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%.

Nhóm 2, nhà nước hỗ trợ 2.280 tỷ đồng đối với dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Trước đây, nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan thay cho nguồn hỗ trợ của nhà nước, song sau đó nhà đầu tư không được thu phí.

Nhóm 3, nhà nước bố trí thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án.

Cụ thể, có 2 dự án đã hoàn thành song không được thu phí là cầu đường sắt Bình Lợi, cải tạo luồng sông Sài Gòn và đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa thuộc dự án BOT xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa; 2 dự án chỉ được thu phí một trạm (phương án ban đầu hai trạm) nên doanh thu sụt giảm còn 16 - 30% so với phương án tài chính là BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, thành phố Cần Thơ và dự án tạo, nâng cấp quốc lộ 3 qua Thái Nguyên; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk bị sụt giảm doanh thu còn 36 - 43% so với hợp đồng do địa phương đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ.

Cũng tại Tờ trình số 2451, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ thống nhất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc đối với 8 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai thực hiện.

Trường hợp không thể cân đối đủ từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023, báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.

 

Theo hợp đồng tại 8 dự án gặp vướng mắc cần xử lý, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư huy động chiếm khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư, còn 85 - 90% vay từ ngân hàng. 

Do đó, việc bố trí vốn nhà nước xử lý vướng mắc các dự án trên sẽ giải ngân cho các ngân hàng cho dự án vay vốn nhằm giảm thiểu nợ xấu, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Qua đó, tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP sắp triển khai.

Đối với các dự án sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải  đề xuất mức vốn nhà nước bổ sung tối đa bảo đảm tổng mức vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư của dự án BOT xác định theo giá trị đã được quyết toán hoặc kiểm toán đến thời điểm tính toán.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là khó thu hút nguồn lực xã hội theo phương thức đối tác công tư PPP, ảnh hưởng mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Cùng với đó, các dự án không được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp có doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì tuyến đường, không thể thanh toán lãi vay nên các khoản vay tín dụng chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

ĐẢM BẢO HÀI HÒA LỢI ÍCH, CÔNG KHAI MINH BẠCH

Về cơ bản, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án BOT triển khai giai đoạn trước năm 2015.

Tại Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề xuất các nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông.

Trong đó, xác định chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, cơ quan nhà nước vi phạm việc thực hiện hợp đồng, các bên đã áp dụng các giải pháp theo quy định của hợp đồng nhưng vẫn không khả thi; trong mọi trường hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do lỗi chủ quan của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Đồng thời, việc xử lý phải bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, khách quan, công khai, minh bạch và hiệu quả; phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể; không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Theo đó, trường hợp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ, ngoại trừ trường hợp điều chỉnh cơ chế hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư xem xét chia sẻ giảm lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Ngân hàng cung cấp tín dụng giảm lãi suất vốn vay trong giai đoạn khai thác. Song song đó, giữ nguyên nhóm nợ, tái cấu trúc khoản vay phù hợp với doanh thu, khả năng trả nợ của doanh nghiệp dự án.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng, sử dụng vốn nhà nước để thanh toán, nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng có giải pháp chia sẻ, giảm tối đa mức vốn nhà nước đề nghị thanh toán. Ưu tiên bố trí vốn nhà nước để thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng đối với các dự án BOT khi nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng thống nhất giải pháp chia sẻ tối đa không tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu và lãi vay vốn vay trong giai đoạn khai thác trong mức vốn nhà nước đề nghị thanh toán.

Đối với các cơ chế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ các dự án BOT đã đưa vào khai thác bị sụt giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan (không do lỗi của nhà đầu tư), đã áp dụng các giải pháp theo quy định hợp đồng nhưng vẫn không khả thi; mức vốn nhà nước tham gia hỗ trợ tối đa 70% tổng vốn đầu tư xác định theo kết quả kiểm toán, quyết toán.