16:38 01/06/2023

Đề xuất chuyển 24.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho giảm VAT

Tùng Thư

Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn của gói hỗ trợ lãi suất 2%, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) vì nhiều vướng mắc, khó triển khai...

Khó  đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi” khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% bị ách tắc.
Khó đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi” khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% bị ách tắc.

Sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình tại Quốc hội, liên quan đến các gói hỗ trợ lãi suất.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là chính sách mà Chính phủ, các bộ/ngành dành nhiều thời gian triển khai gói này. Tuy nhiên, kết quả triển khai đạt thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này.

 

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gói hỗ trợ lãi suất 2%). Quy mô của gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này rất thấp. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.

Về gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 và 2023. Nguồn vốn do chính các ngân hàng huy động, lãi suất giảm từ 1,5%-2% từ chính nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước. Điều này thể hiện sự tự nguyện, tinh thần trách nhiệm của 4 ngân hàng thương mại này. Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất cũng như là lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất.

Thống đốc thông tin, hiện nay, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và uỷ quyền cho các địa phương để công bố các danh mục dự án.

"Nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì cao nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi vì quyết định vay để mua một căn nhà phải do người dân. Đặc biệt trong Luật nhà ở hiện nay đang trình Quốc hội trong kỳ này đã có điểm cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, đây là điểm tích cực để gói này tăng dư nợ giải ngân", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Bên cạnh các gói hỗ trợ lãi suất, Quốc hội cũng quan tâm tới vấn đề tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết đây là việc rất khó xử lý.

"Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó rồi, trong điều kiện khó khăn thế này lại càng khó hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngành Ngân hàng và yêu cầu tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu. Đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương các cấp có thẩm quyền", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các bước trước khi phê duyệt Đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.