14:53 08/02/2025

Đề xuất hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho người làm chuyển đổi số, an ninh mạng

Phúc Minh

Bộ Nội vụ đề xuất mức hỗ trợ 5 triệu đồng đối với mỗi người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng để thu hút nguồn nhân lực này phục vụ trong khu vực công...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

TẠO CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH, THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CHO KHU VỰC CÔNG

Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông, nền kinh tế số đã được hình thành, phát triển ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 3 hoạt động độc lập (điều chỉnh bởi Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018), nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số, và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số.

An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài, nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị. Theo đó, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, thì yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin, cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính là cấp bách.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin đang có tình trạng dịch chuyển ngày càng tăng từ khu vực công sang khu vực tư. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc và chính sách tiền lương, thu nhập của đối tượng này còn nhiều bất cập...

 

Hiện nay, vị trí việc làm công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng được quy định tại 3 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Thông tư số 06/2024/TTBNV (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV), Thông tư số 08/2023/TT-BTTTT(sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2024/TT-BTTTT) và Thông tư số 09/2023/BTTTT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2024/TT-BTTTT).

Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng với việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số và để kịp thời có quy định mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, thì việc ban hành Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với các đối tượng này là cần thiết.

Mục tiêu nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng. Mức hỗ trợ cần tạo sự đột phá về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phù hợp với tình hình thực tiễn.

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC SẼ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN

Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất dự kiến mức hỗ trợ đối với mỗi người là 5 triệu đồng/tháng, áp dụng cho người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn mạng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về công nghệ thông tin (bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số); an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin; giao dịch điện tử theo quy định về vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, và vị trí việc làm chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền.

Công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng. Ảnh: MPG.
Công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng. Ảnh: MPG.

Người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ theo vị trí việc làm.

Trong thời gian không thực hiện công việc chuyên trách về chuyển đối số, an toàn, an nình mạng thì không được tính hưởng mức hỗ trợ.

Xác định chính sách nhằm thu hút, trọng dụng người có trình độ công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tạo nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, dự thảo xác định nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Bộ Nội vụ cho biết theo thống kê, số lượng người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trên 10 năm khoảng 6.400 người; từ 5 – 10 năm khoảng 3.400 người; dưới 5 năm khoảng 3.400 người.

Với quy định của chế độ tiền lương hiện hành, mức lương của các đối tượng làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng nêu trên chỉ từ 7,6 – 16 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, qua tham khảo kết quả thống kê của nền tảng TopCV, thì nhân viên công nghệ thông tin có thâm niên từ 1 – 3 năm là khoảng 15 – 30 triệu đồng; trên 5 năm khoảng từ trên 30 triệu đồng. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/người/tháng (bằng 0,7 lần mức lương bậc 1 của ngạch chuyên viên).

Với số lượng người đang làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng hiện nay khoảng 13.000 người, Bộ Nội vụ ước tính kinh phí cho việc hỗ trợ là khoảng 65 tỷ đồng/tháng.

Về nội dung này, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để rà soát lại cho phù hợp với điều kiện ngân sách, và sự tương quan với chế độ, chính sách của đội ngũ công chức.