Đề xuất mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi, tích hợp depot tại "siêu" dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
TP. Hà Nội đồng tình với đề xuất của tư vấn về việc mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot các tuyến đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, từ đó, hình thành tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia trong tương lai...
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc rà soát hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
HÌNH THÀNH TỔ HỢP CÔNG NGHIỆP ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA TẠI GA NGỌC HỒI
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết các cơ quan chức năng của thành phố vừa tổ chức cuộc họp giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch kiến trúc với tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra để rà soát các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, về hướng tuyến qua địa phận TP. Hà Nội, các bên thống nhất giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND TP. Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông vận tải vào tháng 12/2018, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và đã được UBND tỉnh Hà Nam thống nhất.
Về vị trí nhà ga, theo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội góp ý trước đây, dự kiến bố trí depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín, cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha.
Đáng chú ý, sau khi rà soát quy hoạch vị trí nhà ga của các loại hình đường sắt như đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất tư vấn thiết kế thống nhất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Từ đó có thể tích hợp nhà ga, depot - nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.
Theo quy hoạch, ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8 ha trong tổng diện tích 171 ha quy hoạch, với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát. Dự án ga Ngọc Hồi đã được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã giải phóng được khoảng 55 ha mặt bằng.
Liên ngành nhận thấy nội dung đề xuất của đơn vị tư vấn thẩm tra là phù hợp.
Tuy nhiên, cần tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để TP. Hà Nội rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Các cơ quan liên ngành cũng thống nhất đề xuất bỏ vị trí depot tại huyện Thường tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6 km) và tích hợp depot này vào tổ hợp ga Ngọc Hồi, để tăng diện tích phát triển đô thị hai bên Vành đai 4.
Liên ngành cũng thống nhất với đề xuất của tư vấn thẩm tra, trên địa bàn TP. Hà Nội xem xét bố trí một vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay thứ 2 vùng Thủ đô trong tương lai.
CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO
Trong buổi lễ triển khai thi công dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn đầu năm mới, người đứng đầu Chính phủ cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo sớm hoàn thành chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển, sân bay.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải dự kiến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, thành từ Hà Nội đến TP.HCM, dự kiến sẽ được chú trọng đầu tư trong nhiệm kỳ sắp tới. Trong đó, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dài 1.545 km, dải tốc độ 180-225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.
Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án 61,67 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2025-2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361 km (23,94% chiều dài dự án), với tổng mức đầu tư 16,58 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội - Đà Nẵng dài 677,2 km (44,91% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư 26,44 tỷ USD. Giai đoạn 3 (2038-2041), xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng - Nha Trang dài 468,85 km (31,15% tổng chiều dài dự án) để thông toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 18,65 tỷ USD.
Trước đó, theo báo cáo tiền khả thi của bộ này, giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM, dài 665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,7 tỷ USD. Lộ trình thực hiện thủ tục đầu tư giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.
Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,9 tỷ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa đoạn Vinh - Đà Nẵng, năm 2045-2050 đưa đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào khai thác.
Từ năm 2005 đến nay, bộ đã triển khai nhiều nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao này. Cụ thể, năm 2009, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua và Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư nhưng chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010.