19:03 02/12/2024

Đề xuất sửa đổi định giá với các tài sản “đặc thù” trong tố tụng hình sự

Đỗ Mến

Khoản 2, Điều 17 Nghị định 30 có hướng dẫn về việc định giá trong một số trường hợp cụ thể như tài sản chưa qua sử dụng, tài sản đã qua sử dụng, tài sản bị hủy hoại, hư hỏng… Song thực tiễn yêu cầu cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi thêm hướng dẫn định giá đối với hàng giả, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp vừa công khai hồ sơ thẩm định dự án Nghị định quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

NHIỀU VƯỚNG MẮC PHÁT SINH TRONG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Theo Bộ Tài chính, quá trình triển khai các Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc, có thể ảnh hưởng đến hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự, đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trên.

Đặc biệt, Nghị định 30 và Nghị định 97 mới chỉ quy định về việc thực hiện yêu cầu định giá đối với các vụ án hình sự mà không tiến hành định giá trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, một số trường hợp Hội đồng định giá cấp tỉnh đã từ chối định giá tài sản do chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 30 quy định một trong các nguyên tắc định giá là “phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”.

Tuy nhiên, quy định này không phù hợp trong trường hợp định giá tài sản là hàng cấm, tài sản có thị trường hạn chế hoặc không mua bán, giao dịch phổ biến trên thị trường.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, Hội đồng định giá cấp Bộ chỉ thực hiện định giá lần đầu với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm.

Có trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi các yêu cầu định giá tài sản chưa phù hợp với Hội đồng cấp Bộ hoặc đã có kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh nhưng cơ quan tố tụng tiếp tục có yêu cầu định giá cấp bộ để tiến hành định giá lần đầu mà không cung cấp thông tin về việc tài sản được định giá cấp tỉnh ban hành kết luận trước đó…

Điều này gây khó khăn, mất thời gian để để nghiên cứu, xác minh, lãng phí về nhân lực/vật chất, thậm chí chậm trễ trong tiến độ xử lý vụ án hình sự.

Ngoài ra, quy định Hội đồng định giá cấp tỉnh do cơ quan tài chính làm chủ tịch hội đồng dẫn đến khối lượng, áp lực công việc rất lớn, nhất là khi số lượng các yêu cầu định giá trong các năm qua liên tục tăng cao, đặc biêt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Đối với các tài sản trong lĩnh vực quốc phòng, mang tính chuyên ngành cao, cần bảo đảm bí mật thì việc yêu cầu thành lập Hội đồng định giá ở cấp tỉnh và cấp huyện cũng rất khó khăn do không có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm về tài sản này.

Bộ Tài chính cũng cho rằng cần phải rà soát quy định về việc ưu tiên lựa chọn phương pháp định giá giữa các phương pháp khác nhau, dẫn đến nhiều trường hợp các thành viên hội đồng rất khó xác định và thống nhất phương pháp phù hợp….

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 17 Nghị định 30 có hướng dẫn về việc định giá trong một số trường hợp cụ thể như tài sản chưa qua sử dụng, tài sản đã qua sử dụng, tài sản bị hủy hoại, hư hỏng… Song thực tiễn yêu cầu cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi thêm hướng dẫn định giá đối với hàng giả, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI ĐỂ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN THỂ HIỆN TÍNH CHUYÊN MÔN, CHUYÊN NGHIỆP CAO

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 33 điều nhằm góp phần hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, giúp cho công tác định giá tài sản ngày càng được nâng lên, thể hiện tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao…

Dự thảo đề xuất mở rộng phạm vi định giá trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, làm rõ hơn đối với các trường hợp không được tham gia định giá tài sản. Tại Hội đồng định giá các cấp, bổ sung quy định cho phép có thể mời chuyên gia liên quan đến tài sản cần định giá tham gia là thành viên hội đồng; chuyên gia phải là người có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan đến tài sản cần định giá và không thuộc các trường hợp tại Điều 8,9,10 và 11.

Đặc biệt, dự thảo đề xuất thứ tự ưu tiên phương pháp định giá gồm phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành; phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ hoặc phương pháp thẩm định giá quy định tại pháp luật về giá.

Ngoài ra, dự thảo hướng dẫn cụ thể cách thức định giá với các trường hợp tài sản là hàng giả, lâm sản, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.