Deli Việt Nam sắp khởi công nhà máy có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Hải Dương
Công ty hữu hạn Tập đoàn Deli sẽ khởi công nhà máy sản xuất văn phòng phẩm Deli Hải Dương với số vốn 270 triệu USD vào cuối tuần này, ngày 28/9 tại Hải Dương. Đây là dự án có quy mô lớn nhất được đầu tư vào một khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đến thời điểm này…
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 9/11/2023 và Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất vào ngày 5/2/2024.
Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm Deli Hải Dương tập trung sản xuất các sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa; các sản phẩm hàng gia dụng từ nhựa và thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối bán buôn…
Quy mô sản xuất của nhà máy dự kiến mỗi năm hơn 104 triệu sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa; hơn 33 triệu sản phẩm hồ, keo dán dạng khô và dạng nước; hơn 23,7 triệu sản phẩm hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, đồ dùng học sinh từ kim loại; hơn 2,4 triệu sản phẩm máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu, máy ép plastic, máy scan mã vạch, máy chấm công, ổ cắm điện; và 22,5 triệu sản phẩm bóng cao su, gậy cao su, thảm cao su, dụng cụ vệ sinh, chổi cao su từ cao su thành phẩm.
Dự kiến, dự án sử dụng diện tích đất khoảng 212.480 m² với tổng vốn đầu tư hơn 6.490 tỷ đồng (tương đương 270 triệu USD); thời hạn hoạt động 50 năm. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ sử dụng khoảng 3.000 lao động mỗi năm và doanh thu dự kiến khoảng 5 triệu USD.
Việc Công ty TNHH công nghệ văn phòng Deli Việt Nam khởi công nhà máy Deli Hải Dương cho thấy những nỗ lực của chủ đầu tư nhằm khẳng định cam kết thực hiện đúng tiến độ dự án, đồng thời cũng cho thấy sự cố gắng của Khu công nghiệp Đại An trong việc chuẩn bị mặt bằng và hạ tầng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thứ cấp.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, Hải Dương đã cấp mới cho 46 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 202,5 triệu USD. Trong đó, các dự án FDI mới chủ yếu ở các Khu công nghiệp Đại An mở rộng, Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng và Khu công nghiệp An Phát 1. Các dự án mới tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, chế biến, chế tạo, văn phòng phẩm…
Ngoài các dự án cấp mới, Hải Dương đã điều chỉnh tăng vốn cho 23 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 108,7 triệu USD và hoàn thành thủ tục cho 21 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, lũy kế đến hết tháng 8/2024, Hải Dương có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kết quả đạt được, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn thực hiện 850 triệu USD trong năm 2024.
Theo bà Tường Quỳnh Phương, Phó Tổng giám đốc Khu công nghiệp Đại An, Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính các khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), việc khởi công nhà máy Deli Hải Dương là minh chứng cho thấy những nỗ lực toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc đầu tư liên quan tới giải phóng mặt bằng và quy hoạch và xúc tiến đầu tư bám sát thực tế, bám sát nhà đầu tư…
“Theo đó, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh cùng với các khu công nghiệp trên địa bàn nỗ lực thực hiện mục tiêu được tỉnh đặt ra hồi đầu năm”, bà Phương cho biết.