Đến lượt nghẽn hệ thống "cứu" thị trường trước áp lực chốt lời
Đà tăng đầy hưng phấn phiên áp chót năm 2020 bất ngờ bị dội gáo nước lạnh khi rơi vào đợt xả kéo dài suốt từ gần 11h sáng. Rất may là đến cuối phiên hệ thống của HSX lại nghẽn nên thị trường dừng rơi và VN-Index chỉ giảm nhẹ
Đà tăng đầy hưng phấn phiên áp chót năm 2020 bất ngờ bị dội gáo nước lạnh khi rơi vào đợt xả kéo dài suốt từ gần 11h sáng. Rất may là đến cuối phiên hệ thống của HSX lại nghẽn nên thị trường dừng rơi và VN-Index chỉ giảm nhẹ.
Đợt ATC chỉ số VN-Index kéo lại được 1,6 điểm khiến phiên điều chỉnh hôm nay rất nhẹ. Trước đó, đà lao dốc kéo dài tới tận 2h17' chiều thì hệ thống không còn vào lệnh thông suốt được nữa nên mức giảm không tăng thêm. ATC lệnh vào rất ít, cả sàn HSX khớp lệnh thêm 46,15 tỷ đồng, riêng VN30 khớp có 13,2 tỷ đồng.
VN30 giao dịch rất nhỏ nhưng vài cổ phiếu vẫn đảo chiều lên, khiến chỉ số này còn vượt qua cả tham chiếu. Do mức giao dịch quá nhỏ nên nhịp bật lên trong đợt ATC ở nhiều cổ phiếu không phản ánh đúng cung cầu. Chẳng hạn MSN đang từ giá đỏ 82.600 đồng nhảy lên giá xanh 83.500 đồng mà chỉ giao dịch 2.500 cổ phiếu. Mức nhảy gần 1,1% mà chỉ tốn 208,8 triệu đồng chi phí. Hay như SAB khớp đúng 500 cổ, giá nhảy từ mức đỏ 199.400 đồng lên giá xanh 200.000 đồng...
Do hệ thống bị nghẽn từ 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục tới hết cả đợt ATC nên không thể nào biết được nhu cầu chốt lời còn hay không, cũng như sức mua bắt đáy ra sao. Thực tế thị trường chìm vào một đợt xả khá mạnh và kéo rất dài. Chỉ số từ mức đỉnh 1.108,83 điểm (tăng 0,85% so với tham chiếu) cắm đầu rơi về 1.094,91 điểm (giảm 0,42% so với tham chiếu).
VN-Index chốt phiên dừng ở 1.097,54 điểm, giảm 1,95 điểm so với tham chiếu tương đương 0,18%. VN30-Index tăng 0,07% hay 0,77 điểm. VN-Index dao động trong ngày hôm nay tối đa tới 1,27%, VN30 dao động 1,35%.
Điều quan trọng là diễn biến chính của thị trường thể hiện lực chốt xuất hiện. Thị trường tăng mạnh trước rồi giảm sau và giảm liên tục. Đây không phải là lần đầu tiên diễn biến như vậy xảy ra. Từ hôm 23/12 đến nay đã có tới 4 phiên thị trường xuất hiện lực bán khi VN-Index chạm tới, hoặc vượt qua ngưỡng 1.100 điểm. Rất có thể nhà đầu tư vẫn đang canh bán ra quanh mốc này, nhất là ở thời điểm thị trường sắp kết thúc năm 2020.
Mức giảm ở chỉ số là không đáng kể, chỉ có diễn biến trồi sụt quanh ngưỡng tâm lý 1.100 điểm là đáng chú ý. Blue-chips VN30 bị xả rõ nhất, dù đến cuối phiên vẫn còn 15 cổ phiếu tăng giá và 15 cổ phiếu giảm giá. Ở đỉnh cao nhất ngày, cả rổ VN30 tăng, duy nhất HPG tham chiếu. Mặt khác, biên độ giảm từ đỉnh của đại đa số cổ phiếu trong nhóm này tới trên 1%, một số mã giảm trên 2% như STB giảm 2,61% so với đỉnh, TCB giảm 2,12%, NVL giảm 3,19%, POW giảm 2,9%, TCH giảm 2,65%, VRE giảm 2,18%. Bất kể là các cổ phiếu có đóng cửa trên tham chiếu hay không thì nhà đầu tư mua phải giá cao nhất ngày hôm nay cũng đã thua thiệt đáng kể.
Độ rộng của sàn HSX cũng không quá xấu, với 230 mã tăng/210 mã giảm. Tuy vậy diễn biến giảm dần cũng khá rõ ở tất cả các nhóm cổ phiếu. Chỉ số VNMidcap cũng thể hiện mức tụt giảm 1% so với đỉnh, VNSmallcap tụt giảm 0,9%. Riêng 20 mã vẫn trần cứng cho tới lúc hết giờ và thanh khoản rất tốt, tiêu biểu là HAR, EVG, BWE, EIB, NHH, VNE, HII.
Nhóm blue-chips chịu áp lực xả lớn nên ảnh hưởng tới các chỉ số là rất nhiều. Ngoài EIB kịch trần, duy nhất VIC là nổi lên nâng đỡ. VIC đóng cửa tăng 1,88% và thực tế cũng đã bị ép xuống tới 1% so với giá cao nhất. Hơn 1,8 điểm của VN-Index là do VIC tạo ra. Nếu VIC cũng bị ép xuống tới tham chiếu hoặc giảm giống nhiều trụ khác thì chỉ số sẽ mất khá nhiều điểm. VHM, VNM, GAS, VCB, BID, HPG đều bị ép xuống dưới tham chiếu, thậm chí rất sâu như HPG giảm 1,68%, VCB giảm 1,31%.
Một điểm khá bất ngờ là thanh khoản của HSX hôm nay không nhiều, mức khớp lệnh mới đạt hơn 11.700 tỷ đồng thì hệ thống đã nghẽn. Tuy vậy năng lực xử lý hệ thống phụ thuộc vào số lượng lệnh hơn là quy mô của một lệnh. Có thể các lệnh mua bán được đặt ở mức giá không khớp được nhưng vẫn gây nên quá tải hệ thống.
Điều cũng khá đặc biệt là khối ngoại không chịu nghỉ Tết, vẫn bán ra rất nhiều. Tổng giá trị bán ròng trên HSX phiên này khoảng 282 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu Vn30 bị bán ròng 268 tỷ đồng. Riêng chứng chỉ quỹ FUEVFVND đã được mua ròng hơn 34 tỷ đồng, tức là mức bán ròng cổ phiếu còn lớn hơn. Hai phiên đầu tuần khối này cũng đã bán ròng khoảng 821 tỷ đồng cổ phiếu sàn này.
Nhà đầu tư chốt lời những ngày cuối năm là động thái bình thường vì giá cũng đã tăng rất nhiều. Mặt khác thời điểm cuối năm sức ép giảm margin cũng gia tăng như một quy luật. Trong 3 phiên của tuần này, khi VN-Index dập dình quanh 1.100 điểm thì hôm nay là ngày đợt chốt lời kéo dài nhất.