Đến lượt VIC, VHM đỡ chỉ số, lực chốt lời đang gia tăng
Thị trường rơi vào trạng thái giằng co và ngay cả nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ cũng bắt đầu nguội lạnh. Lác đác 6 còn kịch trần trong rổ VNSmallcap trong khi chỉ số tăng nhẹ 0,15% và thanh khoản tăng vọt...
Thị trường rơi vào trạng thái giằng co và ngay cả nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ cũng bắt đầu nguội lạnh. Lác đác 6 còn kịch trần trong rổ VNSmallcap trong khi chỉ số tăng nhẹ 0,15% và thanh khoản tăng vọt.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ bắt đầu chịu áp lực lớn hơn. Trong 10 cổ phiếu khớp lệnh lớn nhất rổ smallcap, 3 cổ phiếu đã giảm giá, 1 mã tham chiếu, còn lại không mã nào kịch trần. CSV, HQC, LCG.
Trong số này CSV tạo một bulltrap khá lớn khi mở cửa còn tăng giá kịch trần nhưng sau đó bị xả tụt giảm 2,59% so với tham chiếu. Thanh khoản của CSV sáng nay cũng đã lập luôn kỷ lục với 120,9 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Tăng trên 170% trong gần 2 tháng, CSV là một trong những mã được đầu cơ “khủng” nhất thị trường.
Thanh khoản tổng thể của rổ smallcap sáng nay cũng rất lớn, đã khớp 3.451,2 tỷ đồng trong khi cả ngày hôm qua khớp hơn 3.700 tỷ đồng. Độ rộng của rổ đã cân bằng với 82 mã tăng/89 mã giảm.
Mặc dù VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,34% so với tham chiếu nhưng diễn biến không hề bằng phẳng. Quán tính phục hồi mạnh hôm qua đẩy chỉ số tăng thêm một nhịp nữa đầu phiên, trên tham chiếu 0,67% trước khi tụt mạnh, thiếu chút nữa còn đỏ.
Nhóm blue-chips không tốt, phụ thuộc hoàn toàn vào lực đỡ của VIC tăng 1,05%, VHM tăng 1,41%, MWG tăng 4,22% và GVR tăng 2,16%. Cổ phiếu ngân hàng giao dịch yếu, với mã mạnh nhất là CTG cũng chỉ tăng 0,48%, còn lại VCB giảm 0,5%, VPB giảm 0,45%, TCB giảm 0,59%, MBB, BID, ACB chỉ tham chiếu.
Dòng tiền vào rổ này cũng là sự thất vọng, khi tiếp tục giảm 4% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 3.589,7 tỷ đồng. Trong Top 10 thanh khoản thị trường sáng nay, duy nhất HPG và MWG là thuộc rổ VN30, trong đó HPG cũng bị soán ngôi bởi KBC, MWG đứng áp chót danh sách.
Giao dịch tiếp tục lớn ở rổ Midcap và Smallcap, trong đó Midcap đã khớp 5.047,2 tỷ đồng, gần bằng cả phiên hôm qua nhưng chỉ số chỉ tăng nhẹ 0,29%. Độ rộng cũng cân bằng với 38 mã tăng/26 mã giảm. Do không còn sự vượt trội của các mã đầu cơ vừa và nhỏ, sàn HoSE cũng chỉ duy trì độ rộng được ở mức hơi tiêu cực với 188 mã tăng/195 mã giảm. Độ rộng co hẹp theo thời gian cho thấy áp lực bán cũng gia tăng dần về cuối phiên.
Mặc dù VIC, VHM mạnh lên đã giúp VN-Index có khá nhiều điểm và không bị ép xuống dưới tham chiếu, nhưng sự chao đảo của nhóm blue-chips, nhất là độ rộng thị trường ngày càng xấu đi cho thấy đang có áp lực bán xuất hiện. Mức cao nhất của VN-Index sáng nay cũng chưa vượt qua được đỉnh cao của phiên ngày 20/9 vừa qua. Sự thiếu đồng thuận giữa các blue-chips đang là lực cản chính đối với chỉ số này trong nỗ lực vượt đỉnh tháng 8.
Mức thanh khoản chung gia tăng khoảng 24% trên cả hai sàn niêm yết, trong đó HoSE tăng 27,4%, đạt 13.278 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu về dòng tiền vào nhiều hơn, nhưng không tập trung vào blue-chips VN30 như mới nói ở trên. Dòng tiền đổ vào xu hướng đầu cơ các mã vừa và nhỏ, nhưng “nhiệt” cũng không còn nóng như trước. Hiện tượng cân bằng cung cầu trong các mã khỏe nhất cũng là điều cần lưu ý.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng 128,6 tỷ đồng trên sàn HoSE và khoảng 18,5 tỷ đồng trên HNX. MBB được mua ròng tốt nhất với gần 50 tỷ, tiếp đến là VND với hơn 44 tỷ. KDH, CTG, VCI là các mã duy nhất còn lại được mua ròng từ 20-30 tỷ đồng. Phía bán ròng có HPG -41 tỷ, KBC -38 tỷ, DGC -33 tỷ và chứng chỉ quỹ E1 -43 tỷ đồng.