Đến năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước dưới 1%
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1- 1,5%/năm. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%...
Ngày 17/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025.
TỶ LỆ HỘ NGHÈO GIẢM BÌNH QUÂN 1 - 1,5% MỖI NĂM
Báo cáo về kết quả thực hiện chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1- 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm.
Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì Chương trình, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất phân bổ vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phân bổ 48.000 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 28.000 tỷ đồng).
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021- 2025; phân bổ vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2021, năm 2022, năm 2023.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chương trình đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập…
Mặc dù vậy, Bộ cũng cho rằng kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững, do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan, như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng 3 năm qua, kết quả giảm nghèo đạt được rất lớn.
“Có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, đáng được ghi nhận. Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Liên Hợp Quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà...
Mặt khác, chương trình giảm nghèo giai đoạn này dù đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ.
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai.
Các địa phương cũng cần tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo; phát huy vai trò chủ thể, người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Cùng với đó, cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về phía Bộ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2023 và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hết năm 2023 giải ngân tối thiểu đạt 95%.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thực hiện Chương trình theo thẩm quyền được giao; nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030...