06:00 15/11/2021

Dịch vụ chữ ký số từ xa vào... đường đua

Nhĩ Anh

Thay vì phải phụ thuộc vào USB Token, giải pháp ký số từ xa (Remote Signing) có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị như smartphone, laptop… được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và ứng dụng chữ ký số cho cá nhân...

Chữ ký số từ xa không phụ thuộc vào nhà mạng và người dùng có thể sử dụng smartphone, tablet để thực hiện các giao dịch
Chữ ký số từ xa không phụ thuộc vào nhà mạng và người dùng có thể sử dụng smartphone, tablet để thực hiện các giao dịch

Ký số từ xa là giải pháp ký số mới đang được nhiều quốc gia phát triển sử dụng trong quá trình số hóa nền kinh tế, đem lại sự thuận lợi cho các giao dịch hành chính, thương mại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… 

Ở Việt Nam, liên tiếp trong những ngày đầu của tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa cho các doanh nghiệp: Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần MISA và Công ty cổ phần công nghệ SAVIS.

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

Theo đại diện Tập đoàn VNPT, việc triển khai hình thức ký số từ xa vừa đảm bảo an toàn bảo mật như chữ ký số sử dụng USB Token, đặc biệt tiện dụng khi có thể sử dụng các thiết bị smartphone, tablet để thực hiện các giao dịch. Điều này sẽ mở ra cơ hội trong triển khai thêm các nền tảng ứng dụng chữ ký số từ xa khác như cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống giao dịch ngân hàng, tài chính, bảo hiểm,...

 
Sự khác biệt nhất của loại hình mới này chính là sử dụng công nghệ đám mây để ký số mà không cần dùng USB Token hay SIM. Với tốc độ ký nhanh hơn, nhiều hơn, mà vẫn đảm bảo tính an toàn, pháp lý, các doanh nghiệp và người dùng có thể ký trực tiếp trên máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng thay vì chỉ thực hiện trên máy tính như hiện nay.

So với hai hình thức ký số khác bằng USB Token và Sim PKI, chữ ký số từ xa là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số. Do đó, người dùng có thể sử dụng để ký các giao dịch từ cổng dịch vụ công, hợp đồng điện tử, các tờ khai thuế, hải quan...

Điều này được đại diện VNPT nhìn nhận sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam ở hai khía cạnh. Thứ nhất là tiết kiệm tối đa chi phí cho người dùng, đặc biệt là người dùng cá nhân khi thực hiện được nhiều giao dịch điện tử từ xa, với các cấp độ an toàn cao nhất với chỉ một chữ ký số từ xa.

Thứ hai là tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp có hạ tầng giao dịch điện tử chỉ cần sử dụng một hình thức xác thực giao dịch duy nhất với mức an toàn tối đa, giúp thúc đẩy thương mại điện tử, các giao dịch điện tử…, đại diện Tập đoàn VNPT.

Bên cạnh đó, trước tình hình Covid diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc, việc ứng dụng chữ ký số từ xa mở rộng cho các doanh nghiệp và cá nhân giúp phát triển các nền tảng giao dịch điện tử từ xa, hạn chế việc gián đoạn hoạt động kinh doanh hiện tại.

Chữ ký số từ xa không cần dùng USB Token
Chữ ký số từ xa không cần dùng USB Token

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy về những lợi ích của chữ ký số từ xa, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA, khẳng định chữ ký số nói chung đóng vai trò đặc biệt trong thúc đẩy chuyển đổi số, là công cụ quan trọng đầu tiên các tổ chức, cá nhân phải trang bị trên tiến trình số hoá.

Đặc biệt, bối cảnh hiện tại đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp và cá nhân cần giao dịch làm việc mà không gặp nhau trực tiếp, chỉ giao dịch từ xa thì Remote Signing chính là một giải pháp quan trọng để ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử, chứng từ điện tử nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, ông Quang khẳng định.

MỞ LỐI VÀO THỊ TRƯỜNG CHỮ KÝ SỐ CÁ NHÂN

Trong một thế giới ngày càng siêu kết nối, nhu cầu giao dịch, truyền tải thông tin trên môi trường điện tử gia tăng, chữ ký số là công cụ cơ bản nhất của một doanh nghiệp chuyển đổi số.

Ở Việt Nam, đến nay, đã có gần 20 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng khác nhau được cấp phép trên thị trường, trong đó VNPT và Viettel được ghi nhận là những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất.

 
Phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số...

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các nhà cung cấp, hiện nay chữ ký số công cộng chủ yếu được sử dụng cho doanh nghiệp dưới dạng USB Token trong các giao dịch khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử... Việc sử dụng cho các mục đích ký hợp đồng, văn bản, tài liệu vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chữ ký số cá nhân còn chiếm tỷ trọng nhỏ, số thuê bao khiêm tốn.

Có thể thấy chữ ký số cá nhân hiện nay đang là một thị trường rộng mở và nhiều tiềm năng cho các nhà cung cấp khai thác. Việc triển khai dịch vụ chữ ký số từ xa sẽ là nền tảng để thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đặc biệt là các ứng dụng chữ ký số cho cá nhân. Với sự thuận tiện của loại hình mới này và các cơ chế thúc đẩy ứng dụng, các chuyên gia khẳng định, ký số từ xa sẽ giúp mở rộng thị trường chữ ký số cá nhân và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, với việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, chứng thực bản sao điện tử, định danh điện tử và căn cước công dân điện tử,… chữ ký số sẽ là hình thức đảm bảo danh tính mức độ cao và là một trong những yếu tố hình thành công dân số.

THỊ TRƯỜNG SẼ TĂNG MẠNH

Covid-19 đã và đang đẩy mạnh lộ trình số hóa của nhiều doanh nghiệp nhằm củng cố sức mạnh, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Là một trong những hạng mục quan trọng trong vận hành số, chữ ký điện tử đang có nhiều tiềm năng bứt phá. Dịch bệnh phải làm việc từ xa, hạn chế tiếp xúc là một cú huých với việc sử dụng chữ ký số cho các mục đích giao dịch ký hợp đồng, văn bản, tài liệu…

 
Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP MISA:
Bối cảnh hiện tại đặt ra yêu cầu doanh nghiệp và cá nhân cần giao dịch làm việc mà không gặp nhau trực tiếp, chỉ giao dịch từ xa thì Remote Signing là giải pháp quan trọng để ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử, chứng từ điện tử nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Với xu thế, tiềm năng của thị trường và sự chuyển mình của nền kinh tế số, việc triển khai dịch vụ chữ ký số từ xa là một tất yếu, đón đầu công cuộc chuyển đổi số.

Trong hội thảo về vấn đề này vừa qua, các chuyên gia khẳng định, với những ưu điểm ký trên đa nền tảng và có giá cả phù hợp; đặc biệt tốc độ ký nhanh và rất nhiều trong một thời điểm, dịch vụ chữ ký số từ xa phù hợp trong ký hợp đồng giữa pháp nhân với nhiều thể nhân về cùng một nội dung hợp đồng trong các công ty logistics, thương mại điện tử, thanh toán… Đây là những điểm nổi trội mà loại hình chữ ký số dùng USB Token không có.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết hiện nay ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử vẫn còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, với những công nghệ mới, chữ ký số trên di động mang lại sự tiện lợi hơn sẽ cải thiện mức độ ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử. Đặc biệt, theo quy định mới về thương mại điện tử, quy trình đăng ký hợp đồng điện tử khi được sử dụng rộng rãi thì chữ ký số sẽ có “đất” phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Chữ ký số với nền tảng công nghệ mới sẽ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực này.

Đánh giá tiềm năng của thị trường, Câu lạc bộ chữ ký số từng dự báo, quy mô thị trường chữ ký số sẽ tăng lên khoảng 5 lần, tương ứng với 500% khi triển khai dịch vụ ký số từ xa.

Còn nhà cung cấp VNPT nhận định, thị trường dịch vụ ký số từ xa sẽ có thị phần gấp 30-50 lần so với thị trường dịch vụ ký số bằng USB Token với rất nhiều cơ hội, cụ thể là các đối tượng hộ kinh doanh cá thể và cá nhân.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, các điểm tiếp nhận chính là các dịch vụ công, thương mại điện tử, kho bạc… Những nơi có thể sử dụng hình thức chữ ký số từ xa cần có sự phối hợp để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tích hợp chức năng ký vào hệ thống hiện tại. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ mạnh mẽ hơn.