13:27 24/06/2022

Điểm đến công nghiệp công nghệ cao

Thủy Diệu

Không chỉ là nơi đáng sống nhất Việt Nam, Đà Nẵng còn đang trên hành trình trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao – lĩnh vực đang được xem là động lực và hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại Đà Nẵng và miền Trung – Tây Nguyên.

Trụ sở Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trụ sở Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trên 11%. Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

Ngay từ đầu năm 2022, khi ban hành chương trình xúc tiến đầu tư trong năm 2022, Đà Nẵng đã xác định trọng tâm của chương trình xúc tiến đầu tư là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh. Trong đó, định hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

NGÀNH ĐƯỢC KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG NHANH

Hành trình chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng xác định tâm điểm là Khu công nghệ cao Đà Nẵng - một trong ba khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4 ha với 6 phân khu chức năng: khu sản xuất công nghệ cao; khu nghiên cứu – phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu quản lý – hành chính; khu ở cho chuyên gia và người lao động; khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao. Tổng mức đầu tư là 8.841 tỷ đồng.

 
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
"Thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trên 11%. Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố".

Từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghệ cao, hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2, cung cấp gần 400 ha đất sạch để phục vụ công tác thu hút đầu tư và đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 3 của Khu công nghệ cao.

Với sự chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi tối đa trên, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn là 545,4 triệu USD và 12 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 6.291 tỷ đồng.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao này gồm: công nghệ thông tin, truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới; tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác; công nghệ sinh học phục vụ y tế, nông nghiệp, thủy sản; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử, quang điện tử.

Tính chung, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp khác của Thành phố đã thu hút tổng cộng 507 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 129 dự án có vốn FDI với vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD.

Nếu như thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao từ trước vẫn luôn được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, thì đến nay “địa hạt” này được đẩy lên “ngưỡng” cao hơn, được coi là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh việc định hình cơ cấu các ngành kinh tế, chú trọng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh khu vực dịch vụ còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng nhanh ở mức cao. “Thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trên 11%. Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

TẠO "BỆ PHÓNG" THÚC ĐẨY CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

TS.Nguyễn Quang Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng hiện có trên 700 doanh nghiệp công nghệ thông tin. Trong quá trình chuyển đổi số, Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ thông tin là một trong những trụ cột để đóng góp vào kinh tế số và đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GRDP của Thành phố.

Do vậy, theo ông Thanh, Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng về công nghiệp công nghệ thông tin để thu hút các doanh nghiệp lớn như FPT. Mới đây FPT đã khởi công giai đoạn 3 đối với khu phức hợp FPT để đến năm 2025 tập đoàn này có đủ chỗ làm việc cho 10 nghìn nhân viên làm trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cũng cho biết Đà Nẵng đang triển khai các khu công viên phần mềm và đầu tư trên 1.000 tỷ để xây dựng mở rộng Khu công viên phần mềm số 2 và sẽ khai trương khu công viên này vào tháng 8 tới. Đây sẽ là “bến đỗ” cho các doanh nghiệp công nghệ số. Khu công viên số 2 dự kiến sẽ thu hút khoảng 6.000 kỹ sư của các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin trong và ngoài nước, với mục tiêu phát triển công nghệ số, tạo ra các sản phẩm giá trị cao, đóng góp vào phát triển của Thành phố.

Để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghệ đã triển khai có hiệu quả Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4/1/2018 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nghị định này quy định cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển Khu công nghệ cao; các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư, tiền sử dụng hạ tầng… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố xây dựng Đề án tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030; đang xây dựng Đề án triển khai mô hình khu đô thị thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Đề án xây dựng, hình thành và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp Khu công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

Điểm đến công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1

Đặc biệt, năm 2022, với trọng tâm của chương trình xúc tiến đầu tư là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ... Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết Thành phố sẽ tăng quảng bá thu hút đầu tư trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ...; hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chú trọng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đồng bộ với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP.HCM để trở thành hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.