17:43 01/12/2024

Diễn đàn Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024: Môi trường số an toàn thúc đẩy sáng tạo số

Như Quỳnh

Lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, diễn đàn Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp, thương hiệu lớn và nền tảng số như Meta, TikTok thảo luận về xu hướng và giải pháp thúc đẩy sáng tạo nội dung trên không gian số an toàn tại Việt Nam…

Người tham dự tương tác với đại diện Meta tại diễn đàn.
Người tham dự tương tác với đại diện Meta tại diễn đàn.

Ngày 30/11, Diễn đàn Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (Vietnam iContent 2024) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, thu hút hơn 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý, nền tảng lớn như Google, Meta, TikTok, và các nhà sáng tạo nội dung. Sự kiện do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Báo VnExpress, và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT phối hợp tổ chức, tạo cơ hội thảo luận về xu hướng và giải pháp thúc đẩy sáng tạo nội dung số trong môi trường an toàn tại Việt Nam.

"SÁNG TẠO SỐ ĐÃ ĐẠT TỚI MỘT QUY MÔ NHƯ XÃ HỘI THU NHỎ"

Tại diễn đàn, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chia sẻ về hành trình "Một thập kỷ sáng tạo" về nội dung số tại Việt Nam: "Từ khi chưa có khái niệm về ‘nhà sáng tạo nội dung số, sau 10 năm, đây đã trở thành một ngành nghề, tạo nên một cộng đồng lớn mạnh tại Việt Nam. Sáng tạo số đã đạt tới một quy mô như xã hội thu nhỏ”.

Nhìn lại một thập kỉ vừa qua, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook với 20 triệu người dùng tại Việt Nam (chiếm 22% dân số) bắt đầu vào năm 2014 đã tạo ra cơ hội lớn cho các nhà sáng tạo nội dung.

Đến năm 2019, TikTok xuất hiện chính thức, thúc đẩy sự chuyển mình với các video ngắn định dạng dọc thay thế các video truyền thống. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2023, nội dung tiêu cực đã lan rộng trên mạng xã hội, gây lo ngại về chuẩn mực và giá trị xã hội. Đến 2024, ngành sáng tạo nội dung đã ổn định trở lại, với sự phối hợp giữa các nền tảng, nhà sáng tạo và cơ quan quản lý nhằm phát triển nội dung tích cực và lành mạnh.

TỪ CỘNG TÁC ĐẾN CỘNG HƯỞNG

Tại phiên thảo luận "Sáng tạo nội dung và quảng bá thương hiệu – từ cộng tác đến cộng hưởng", các chuyên gia đã cùng chia sẻ về cách khai thác tiềm năng thương mại của sáng tạo nội dung số.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ thông tin và Truyền thông, tại diễn đàn.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ thông tin và Truyền thông, tại diễn đàn.

Bà Nguyễn Minh Đình Như, Giám đốc tăng trưởng của Publicis Media thuộc Publicis Groupe, cho biết nhà sáng tạo nội dung giúp các nhãn hàng tăng tỷ lệ tương tác gấp 2,5 lần so với quảng cáo truyền thống, đặc biệt đối với nhóm khách hàng trẻ tuổi. Báo cáo từ TikTok năm 2024 cho thấy tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng từ các video đạt hiệu quả cao gấp 2 lần so với nội dung do chính thương hiệu đăng tải.

“Giai đoạn 2019-2023 chứng kiến sự bùng nổ của TikTok tại Việt Nam, với hơn 4 triệu nhà sáng tạo nội dung tham gia, thúc đẩy ngân sách marketing của các thương hiệu gia tăng mạnh mẽ từ 20% trong năm 2023 lên 30% vào năm 2024”, bà Nguyễn Minh Đình Như nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Trâm Anh, Trưởng bộ phận Truyền thông Vinamilk, cho biết: “Trong thời đại số, sự sáng tạo không chỉ gói gọn trong việc tạo ra nội dung độc đáo mà còn là việc làm thế nào để các thương hiệu có thể duy trì được mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng qua các nền tảng kỹ thuật số”.

Bà Lê Thị Trâm Anh chia sẻ hành trình kéo dài gần một thập kỉ khi áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động quảng cáo của thương hiệu được bắt đầu từ năm 2015.

Từ một thương hiệu quốc dân với những sản phẩm lâu đời gắn liền với người Việt như sữa đặc Ông Thọ hay sữa chua, sữa tươi, Vinamilk đã xây dựng hình ảnh mới mẻ và gần gũi hơn với người tiêu dùng thông qua các chiến dịch “trẻ hoá” bằng việc thay đổi thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu được lan toả trên mạng xã hội. Chiến dịch đã tạo nên 31 nghìn lượt từ khoá được nhắc đến trên mạng xã hội, giúp kết nối sâu sắc với cộng đồng người tiêu dùng.

Về phía các chủ quản của các nền tảng xã hội, bà Phương Huỳnh, Quản lý đối tác chiến lược YouTube tại Việt Nam, cho biết năm 2024 đánh dấu 10 năm nền tảng này có mặt tại Việt Nam. Trong suốt một thập kỉ quả, những đóng góp của YouTube được ghi nhận mạnh mẽ trong việc tạo ra một cộng đồng lớn mạnh, cơ hội kinh tế và tác động xã hội tích cực.

Hiện tại, YouTube Việt Nam đang có trên 6 kênh với hơn 10 triệu lượt theo dõi, hơn 1.800 kênh có hơn 1 triệu người theo dõi. Đặc biệt, số lượng người xem nước ngoài dành cho nội dung số tại Việt Nam rất cao với các nội dung đa dạng về ẩm thực, du lịch,..

 “Hơn 30% các nhà sáng tạo trong số này YouTube nhận được thu nhập hơn 100 triệu mỗi năm”, bà Phương Huỳnh cho hay.

Trong khi đó, TikTok cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam, cho biết có đến 3,7 triệu tài khoản người dùng đã có thu nhập từ nền tảng này, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sáng tạo và nền tảng tại Việt Nam.

XÂY DỰNG KHÔNG GIAN SỐ AN TOÀN CHO NHÀ SÁNG TẠO NỘI DUNG VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Một chủ đề quan trọng được thảo luận tại diễn đàn là việc xây dựng một không gian sáng tạo an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng giám đốc Unilever Việt Nam, cho rằng an toàn thương hiệu trên mạng xã hội luôn là "nỗi đau đáu" của doanh nghiệp, khi có hàng trăm nhãn hàng hoạt động trên nhiều nền tảng.

Việc tạo ra nội dung tích cực, lành mạnh không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn bảo vệ hình ảnh thương hiệu, đặc biệt khi video ngắn đang lên ngôi. Unilever cũng chú trọng đến việc xây dựng các chiến dịch truyền cảm hứng tại các khu vực nông thôn, nâng cao nhận thức về sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Bà Lê Thị Hồng Nhi kêu gọi hợp tác với các nền tảng số để tạo ra một không gian số tích cực và văn minh, đồng thời khẳng định rằng việc xây dựng môi trường an toàn không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn của các nền tảng và nhà sáng tạo nội dung.

Để đảm bảo một môi trường lành mạnh, công bằng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, khẳng định Nghị định 147 vừa được Chính phủ ban hành sẽ là bước ngoặt trong việc tăng cường quản lý không gian mạng với một số quy định nổi bật sau:

Thứ nhất, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok phải đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông nếu chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thứ hai, các nền tảng và người dùng phải chịu trách nhiệm đối với nội dung không lành mạnh. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu từ chối hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung vi phạm.

Thứ ba, những sửa đổi, bổ sung trong Luật Quảng sắp được ban hành sẽ bao gồm những quy định chặt chẽ trong việc cần phân biệt rõ giữa người quảng cáo và người đánh giá (review) sản phẩm, đồng thời yêu cầu người nhận quảng cáo phải thông báo những nội dung có yếu tố quảng cáo, hoặc gắn nhãn quảng cáo cho sản phẩm trên nền tảng xã hội.

Khép lại diễn đàn, đại diện từ các nền tảng xã hội, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà sáng tạo nội dung đều bày tỏ mong muốn chung tay tạo nên các nội dung nhân văn và tích cực, xây dựng xã hội bền vững, giúp Việt Nam phát triển và vươn tầm quốc tế.