Điều chỉnh quy hoạch để tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông tiềm năng cho Tam Điệp
Thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) đang tiến hành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045 nhằm cập nhật các định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn và tầm nhìn chiến lược mới. Việc điều chỉnh quy hoạch lần này không chỉ định hình lại không gian đô thị mà còn đặt nền móng cho một đô thị công nghiệp hiện đại, tăng trưởng xanh...

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2030 được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt ngày 10/6/2014, sau đó được Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên đến nay định hướng của đồ án quy hoạch chung năm 2014 cũng như bản điều chỉnh năm 2018 đã không còn phù hợp và cần phải thực hiện điều chỉnh tổng thể:
Thành phố Tam Điệp đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng Tam Điệp thực sự là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Muốn đạt mục tiêu này phải nâng quy mô, hiện đại hóa tính chất ngành, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, vật liệu xây dựng, thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Tạo điều kiện huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại II.
Sự hình thành các dự án có ý nghĩa quốc gia trên địa bàn thành phố; cũng như yêu cầu khai thác, phát huy lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lực của thành phố và yêu cầu phát triển đô thị trong thời kỳ mới, cần được rà soát điều chỉnh.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tam điệp được định vị là thành phố Công nghiệp hiện đại. Tập trung khuyến khích phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng sản xuất, chế biến công nghệ cao trong các ngành nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ.
Vì vậy, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045 là rất cần thiết và có ý nghĩa chiến lược to lớn. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai; đồng thời, phản ánh đầy đủ quá trình phát triển và vai trò của thành phố trong mối quan hệ trong tỉnh và các vùng phụ cận. Làm cơ sở để thu hút các dự án đầu tư, quản lý, kiểm soát và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
Tam Điệp có tiền đề phát triển: Trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, hấp dẫn; là một trong những đầu mối Logistic cấp vùng; cơ hội lớn trong hành lang kinh tế Đông Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ; thu hút du lịch từ dòng du khách từ Hoa Lư, Ninh Bình và Thanh Hóa; phát triển TOD theo hệ thống đường sắt cấp tỉnh và quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại của quy hoạch chung năm 2014: Việc quy hoạch QL1A rộng 50m đã ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của khoảng 1.500 hộ dân; ảnh hưởng đến diện tích xây dựng các Đền: Đền Dâu, Đền Quán Cháo; tuyến đường Vành đai không hiệu quả do đã hình thành tuyến đường Đông - Tây…
Tại cuộc họp gần đây nhất về việc điều chỉnh quy hoạch, các đại biểu nhất trí cao với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045. Các ý kiến đều cho rằng đây là đồ án Quy hoạch cần thiết để đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, là cơ sở thu hút các dự án đầu tư, quản lý, kiểm soát và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nhằn nâng cao chất lượng môi trường sống.
Việc điều chỉnh này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng, góp phần định vị lại không gian đô thị, thu hút đầu tư và hướng tới xây dựng một đô thị công nghiệp hiện đại, tăng trưởng xanh.
Việc điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược đó, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cải thiện chất lượng sống, bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư bền vững.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, quy hoạch này là định hướng không gian phát triển trong dài hạn, đồng thời tạo cơ sở quan trọng cho các chính quyền địa phương mới sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính.
Ông Ngọc cũng lưu ý, để xây dựng thành phố Tam Điệp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Riêng đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn, cần chủ động điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh để phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị thành phố Tam Điệp, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp tại hội nghị, hoàn thiện hồ sơ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng quy định.