Đô thị hóa không theo quy hoạch sẽ phá vỡ cảnh quan nông thôn
Hiện tại một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp… Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hoá, nhà ở được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc…
Tại hội nghị toàn quốc về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo: Quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
ĐỨT GÃY HẠ TẦNG KẾT NỐI ĐÔ THỊ - NÔNG THÔN
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 2/2023, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch. Trong đó, vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có 100% số xã đạt tiêu chí quy hoạch.
Thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, vấn đề quy hoạch luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, là “đi trước một bước” để định hướng cho lộ trình xây dựng nông thôn mới, góp phần hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn nông thôn một cách toàn diện ở các địa phương.
“Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới được phê duyệt và triển khai là cơ sở để thực hiện các dự án, đẩy nhanh phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Theo Thứ trưởng Nam, đến giai đoạn 2021-2025, nội dung tiêu chí quy hoạch trong xây dựng Nông thôn mới đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới. Các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện được xác định chủ yếu là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đời sống và sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn kết với phát triển công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ rõ: Công tác quy hoạch trong xây dựng Nông thôn mới còn vấp phải một số vướng mắc, bấp cập.
"Giai đoạn mới đã bổ sung thêm quy định về quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư mới trong yêu cầu đối với xã Nông thôn mới nâng cao; quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn đối với huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và chuẩn Nông thôn mới nâng cao".
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Nhiều nơi đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp…
Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa khu vực đô thị-nông thôn còn bị đứt gãy, chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng…
Để khắc phục những tồn tại trên, Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương đã xác định rõ những vấn đề đặt ra.
Theo đó, quy hoạch cần phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn, đảm bảo tính kết nối; quy hoạch nông thôn phải gắn với đô thị hóa. Cần có những quy định cụ thể về tiêu chí xây dựng Nông thôn mới cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị. Đồng thời phải nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng miền, địa phương gắn với việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.
Thông tin về quy hoạch Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, cho biết Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đề ra, Hải Phòng lựa chọn tiêu chí giao thông làm tiêu chí mẫu để triển khai, tiệm cận với các tiêu chí đô thị. Ngân sách thành phố hỗ trợ trung bình cho mỗi xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thành phố chưa có Đồ án quy hoạch vùng huyện được nghiên cứu, phê duyệt, dẫn tới sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, các trung tâm đô thị chưa được phát huy vai trò đầu tàu về kinh tế, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa.
“Hải Phòng xác định sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định định hướng phát triển khu đô thị nông thôn và các khu chức năng, quy hoạch khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn để thực hiện tiêu chí huyện Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, được định hướng chuyển đổi đơn vị hành chính cấp quận đến năm 2025 thì tiến hành lập quy hoạch chung bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở đồng bộ với khu đô thị…”, ông Thọ khẳng định.
KHÔNG “ĐỒNG PHỤC HÓA” ĐÔ THỊ NÔNG THÔN
TS.Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) khuyến nghị, các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nên chú trọng bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Đánh giá về kết quả đạt được của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khằng định: Nhờ quy hoạch xây dựng nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương…
Bộ trưởng cũng cho biết Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.
"Trong quá trình xây dựng quy hoạch nông thôn không nên quá cầu toàn. Quy hoạch phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền của làng quê Việt Nam. Không lấy quy hoạch đô thị để áp vào quy hoạch nông thôn. Không “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Cần tránh tạo xung đột giữa thành thị và nông thôn, không nên “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn. “Cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng Nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Nôn thôn mới chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Theo Bộ trưởng, mỗi địa phương nên có những cách thức riêng để kể câu chuyện của mình, thể hiện sự khác biệt, độc đáo ngay trong khẩu hiệu, thông điệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cách làm hay.
Qua thực tế, Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của một số địa phương như mô hình Làng hạnh phúc, mô hình Làng thông minh..., đồng thời nhấn mạnh rằng phải làm sao để người dân luôn trong tâm thế làm chủ, có như vậy họ mới trân quý những giá trị của nơi họ sống và ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng, gìn giữ, bảo vệ.