15:22 14/04/2023

Đô thị thông minh: Mô hình nào cho TP.HCM?

Ban Mai

Cần thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh, từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

TP.HCM hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu; năm 2022, thành phố ở vị trí 111, tăng 68 bậc so với năm 2021. Thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số toàn quốc năm 2021 (tăng 2 bậc so với năm 2020). Kinh tế số thành phố năm 2022 chiếm gần 15,4% GRDP (vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%).

TP.HCM MUỐN XÂY DỰNG NHANH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

"Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ… Trong đó, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Theo đó, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình như: Chương trình chuyển đổi số; đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM; đề án phát triển ngành logistics; đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố..."

Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ tại diễn đàn và triển lãm quốc tế "Đô thị thông minh Châu Á - SmartCity Asia" năm 2023, diễn ra vào sáng 13/4/2023 tại TP.HCM, do Hội Truyền thông số Việt Nam, Công ty TNHH Exporum, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Hội tự động hóa Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "TP.HCM mong muốn tiếp thu được nhiều bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh” - Ảnh: PV.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "TP.HCM mong muốn tiếp thu được nhiều bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh” - Ảnh: PV.

Theo ông Mãi, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Do đó, những giải pháp mà các lãnh đạo thành phố mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh, là phải giải quyết các vấn đề cấp thiết, như: quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường, giáo dục, y tế... phục vụ cho đời sống người dân, an toàn và an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.

“TP.HCM mong muốn tiếp thu được nhiều bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”, ông Mãi nhấn mạnh.

LỰA CHỌN MÔ HÌNH NÀO?

Chia sẻ về vấn đề nay, ông Byungmoog Lee, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIPA) cho biết, Hàn Quốc có lịch sử phát triển đô thị hơn 70 năm, và có nhiều kinh nghiệm được rút ra từ những dự án đã làm. Theo đó, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.

Cụ thể, năm 2008, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật U-City, hướng đến dịch vụ sử dụng công nghệ. Đến năm 2017, ban hành đạo luật thành phố thông minh. Năm 2019, Hàn Quốc có một quy hoạch tổng thể lần 3 cho thành phố thông minh.

Về chiến lược phát triển thành phố thông minh, Hàn Quốc tập trung vào 4 yếu tố. Đó là, xây dựng thành phố mới kết hợp với thành phố cũ; xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo (áp dụng cơ chế sandbox); thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Chẳng hạn, mô hình thành phố Incheon được xây dựng trở thành đô thị thông minh dựa trên đạo luật U-City. Ngay trong việc xây dựng sân bay ở Incheon cũng được thiết kế theo mô hình mới từ lúc hoang sơ. Ở đô thị thông minh, những vấn đề phải được xử lý hiện đại như: dịch vụ công, giao thông hay vấn đề ngăn chặn tội phạm đường phố, môi trường… rất được quan tâm. Ngoài ra, đô thị thông minh cũng có nghĩa là phải xây dựng được những hệ thống giáo dục thông minh, ngôi nhà thông minh… Những vấn đề này sẽ được cung cấp bởi các công ty tư nhân.

Các diễn giả thảo luận về phát triển đô thị thông minh - Ảnh: PV.
Các diễn giả thảo luận về phát triển đô thị thông minh - Ảnh: PV.

Với mô hình xây dựng cho thành phố Seoul, được hướng theo 6 nền tảng. Đó là, xây dựng cơ sở hạ tầng có mạng lưới cáp quang phủ khắp thành phố; sử dụng IOT (internet vạn vật) cho phép thu thập và phân tích dữ liệu về tiếng ồn, ánh sáng…; xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh và đồng bộ; xây dựng bản đồ thông minh từ năm 2019 cho giao thông vận tải; cơ chế bảo mật an toàn đảm bảo mọi thông tin của người dân thành phố được bảo mật.

Đối với mô hình xây dựng cho Busan, được hướng đến xây dựng một thành phố bên sông theo 10 tiêu chí và ứng dụng nhiều công nghệ cao, như: thực tế ảo, sử dụng robot, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, công viên xanh, chăm sóc sức khoẻ theo thời gian thực…

Như vậy, TP.HCM sẽ lựa chọn mô hình đô thị thông minh nào? Theo ông Huỳnh Lương Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển 2 của VNPT, đô thị thông minh sẽ có đặc thù cho từng địa phương, trong đó điều quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác và đồng bộ với nhau.

Về quản trị đô thị thông minh, buộc phải thay đổi mô hình quản trị và phải theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Trong đó, việc sử dụng công nghệ là để giải quyết vấn đề của đô thị thông minh. Chẳng hạn, sử dụng hệ thống phản hồi từ phía người dân để tiếp nhận thông tin và xử lý vấn đề nhanh chóng và người dân đồng thời cũng tham gia kiểm tra, giám sát cùng chính quyền.

Bên cạnh đó, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, việc quản lý và giám sát mạng xã hội là cần thiết. VNPT cũng đã xây dựng được Data Platform (nền tảng dữ liệu số) với giải pháp giám sát mạng xã hội từ 21.000 website tin tức, 250.000 kênh youtube, 11 triệu group facebook, 90 triệu tài khoản facebook, 4 triệu bài đăng trên facebook/ngày và 2.000 trang diễn đàn.

Cuối cùng, để dự án đô thị thông minh thành công, theo ông Huy Thông, cần phải có sự đồng lòng và quyết liệt của lãnh đạo các cấp; phải có dữ liệu thời gian thực  và online phục vụ chỉ đạo điều hành kịp thời; phải có quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và giữa chính quyền với người dân; ứng dụng di động chỉ đạo mọi nơi, mọi lúc; tăng cường sự tham gia giám sát của người dân, doanh nghiệp; tổ chức vận hành hiệu quả.