Doanh nghiệp bán lẻ “chung tay” khi nông sản vào vụ
Hiện tại đang bắt đầu vào mùa thu hoạch của nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm chủ lực của một số tỉnh, thành. Thay vì lo lắng giá cả bấp bênh thì thời điểm này nhiều mặt hàng đã được bán với giá ổn định, người dân có lãi…
Câu chuyện nông sản được mùa rớt giá, giải cứu nông sản đã được nhắc đến trong nhiều năm qua. Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn; sản xuất, chế biến nông sản cũng có nhiều tiến bộ. Vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài ngay trên thị trường nội địa và cạnh tranh được với các thị trường lân cận, nhất là Thái Lan.
ĐƯA NÔNG SẢN VÀO TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
Một trong các giải phá hiệu quả hiện nay là kết nối, đưa sản phẩm nông sản an toàn của các địa phương vào hệ thống bán lẻ hiện đại, tạo cơ hội cho các hợp tác xã có ‘‘đầu ra’’ ổn định, nâng cao thương hiệu nông sản. Đồng thời, giúp doanh nghiệp bán lẻ ổn định nguồn cung hàng hóa chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Vì vậy, đây là hình thức hợp tác cần được tiếp tục đẩy mạnh để doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng có lợi.
Thời gian gần đây, khi đến các trung tâm thương mại Takashimaya, Diamond, Aeon (TP.HCM), người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP như hạt sen sấy, mật ong, mật dừa nước, sữa hạt sen, trái cây sấy dẻo, bánh dừa nướng... Nhiều khách hàng lần đầu biết đến các sản phẩm này nên đã mua dùng thử. Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc hợp tác với các siêu thị, trung tâm thương mại giúp các sản phẩm này dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.
Theo đó, những sản phẩm này sẽ được miễn, giảm mạnh phí mặt bằng nhưng doanh thu từ sản phẩm sẽ được chia cho 2 bên. Chẳng hạn, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế Đất Phú đang chia sẻ 20% doanh thu với phía Takashimaya, còn Diamond Plaza lấy 22% doanh thu kèm phí quản lý 15 USD/m2. Trong khi đó, Aeon thu 10 triệu đồng cho mặt bằng 15 m2, đồng thời nếu doanh số đạt 50 - 100 triệu đồng thì nhận thêm 10% doanh số. Ông Lương Việt Chương, Giám đốc công ty cho hay tổng cộng chi phí cũng tương đương mức 20% chia sẻ doanh thu ở Takashimaya.
Hình thức chia sẻ doanh thu thường được các trung tâm thương mại hoạt động theo mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp (department store) áp dụng. Khi đó, người tiêu dùng không thanh toán ở từng gian hàng mà tại quầy chung của trung tâm thương mại. Đối với khách thuê, hình thức này phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ chưa có ngân sách để thuê mặt bằng cố định hay ký gửi vào các hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, chính việc chia sẻ doanh thu cũng kích thích các bên nỗ lực bán hàng.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, Sở đã làm việc với một số đơn vị và đề nghị họ tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ, có không gian riêng trưng bày các sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Phần lớn các đơn vị bán lẻ đều sẵn sàng hỗ trợ quầy kệ trưng bày sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản và OCOP thường ở nhiều nhóm sản phẩm khác nhau (như rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm khô, thực phẩm tươi, hàng chế biến) nên khó trưng bày tập trung ở cùng một vị trí.
Trong khi đó, theo bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để một doanh nghiệp đưa nông sản vùng miền vào siêu thị có nhiều khó khăn, từ tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cho đến sản lượng. “Mỗi siêu thị lại có một bộ hồ sơ riêng, các doanh nghiệp trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy tờ hoạt động của doanh nghiệp, cũng như các quy trình giao nhận hàng hóa”, bà Vũ Kim Anh phân tích thêm.
Do đó, theo bà, cần sự chia sẻ và trao đổi, hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ để hoạt động kết nối, phân phối các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương đạt kết quả tốt hơn. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, phần lớn sản phẩm OCOP được sản xuất với quy mô nhỏ. Saigon Co.op đang gộp những sản phẩm OCOP nhỏ lẻ lại để cung ứng cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội, địa phương, bộ ngành, liên minh hợp tác xã ở các địa phương để gom những sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng cung ứng”.
Ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam cho biết trước đây, siêu thị Giga Market bên trong Gigamall thường tập trung vào các sản phẩm bình ổn thị trường. "Nhưng nay chúng tôi muốn kết nối với các doanh nghiệp trẻ từ các vùng miền, quy hoạch thêm các sản phẩm nông sản, đặc biệt sản phẩm OCOP. Hiện những sản phẩm này chiếm 60 - 70% tổng sản phẩm trong khu vực kinh doanh của Giga Market", ông Huy cho biết.
KẾT NỐI TIÊU THỤ, HAI BÊN CÙNG CÓ LỢI
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023. Theo thỏa thuận, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam để tổ chức kết nối, tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo quy định để cung cấp cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam…
Về phía Central Retail Việt Nam, Tập đoàn sẽ phối hợp và xem xét đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị (GO!, Big C, Tops Market…) tại từng thời điểm. “Dự kiến, năm 2023, Central Retail Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều Lục Ngạn”, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết.
Tương tự, Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương chia sẻ, hiện 90% hàng hóa của MM Mega Market là hàng sản xuất trong nước. “Chúng tôi đang vận hành 5 trạm trung chuyển để bảo đảm giữ được chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm từ các vùng trồng, vùng nuôi đến các địa phương trên cả nước. Thông qua các trạm trung chuyển, sản phẩm từ vùng trồng đến được các trung tâm theo chuỗi khép kín, đúng quy chuẩn, đưa đến các điểm bán phục vụ cho khách hàng”, ông Nguyễn Anh Phương thông tin.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động lập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.