14:48 26/05/2014

Doanh nghiệp làm truyền thông: Xoá mù cho thầy bói

Huy Nam

Nhiều doanh nghiệp đang làm truyền thông theo đúng kiểu thầy bói xem voi

Một tấm ảnh đôi khi có giá trị ngang với cả một chiến dịch quảng cáo 
trên truyền hình. Chắc bạn chưa quên bức ảnh “tự sướng” (selfie) tại lễ 
trao giải Oscar mới đây mà Samsung đạo diễn.
Một tấm ảnh đôi khi có giá trị ngang với cả một chiến dịch quảng cáo trên truyền hình. Chắc bạn chưa quên bức ảnh “tự sướng” (selfie) tại lễ trao giải Oscar mới đây mà Samsung đạo diễn.
Hầu hết các doanh nghiệp bây giờ khi nhắc đến truyền thông là nghĩ ngay đến các định dạng nội dung và các kênh sẽ đăng tải chúng. Tuy nhiên, họ cần nhiều hơn thế.

Đã có những doanh nghiệp bỏ ra cả trăm triệu đồng để làm viral video, nhưng số lượt xem còn ít hơn cả số nhân viên của họ. Nhiều PR event tốn kém, rình rang nhưng số người thật sự đến dự và quan tâm không nhiều. Không ít các bài báo PR được viết công phu, nhưng đa phần lại bị đọc theo cách hời hợt nhất.

Nhiều doanh nghiệp đang làm truyền thông theo đúng kiểu thầy bói xem voi: không theo quy trình chuẩn, không có chiến dịch dài hơi, không có cái nhìn tổng thể, quá hấp tấp và võ đoán.

Những sai lầm này sẽ dẫn đến một chuỗi những hệ quả mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu về lâu dài: bản sắc thương hiệu bị nhầm lẫn, thất thế trước đối thủ, sự bỏ rơi của khách hàng và nguy cơ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng truyền thông có thể “bóp chết” doanh nghiệp bất cứ lúc nào.

Chưa bao giờ, sự sống của các thương hiệu lại có thể mong manh và dễ bị tổn thương như trong thời đại “thế giới phẳng” này. Nhiều doanh nghiệp, sau một đêm ngủ dậy, bàng hoàng nhận mình đã trở thành “tội đồ” trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng và bị chính khách hàng quen thuộc của mình bỏ rơi.

Thời thế thay đổi, giải pháp truyền thông cho doanh nghiệp không nằm ở trong những nỗ lực theo cách cũ. Đã đến lúc doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận mới với những chiến lược thông minh hơn về nội dung để thật sự là người chiến thắng trong trận chiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Xây dựng chiến lược nội dung


Không khó để chỉ ra những định dạng nội dung: text, ảnh, video, infographic, audio, book, game, ứng dụng application...

Cũng không khó để biết định dạng nào thì sẽ phải phân phối trên kênh nào: bản in, truyền hình, báo điện tử, website, POSM, event, mạng xã hội...

Nhưng vấn đề thật sự không nằm ở đó, mà nằm ở chất lượng nội dung. Chỉ có những nội dung sáng tạo, khác biệt mới khiến người tiêu dùng biết và nhớ, thích và ủng hộ doanh nghiệp.

Một infographic độc đáo có thể hấp dẫn hơn cả chục bài viết.

Một Facebook status dí dỏm có thể còn hiệu quả hơn cả một chương trình video dài lê thê.

Một tấm ảnh đôi khi có giá trị ngang với cả một chiến dịch quảng cáo trên truyền hình. Chắc bạn chưa quên bức ảnh “tự sướng” (selfie) tại lễ trao giải Oscar mới đây mà Samsung đạo diễn.

Khi nội dung “gặp” được đối tượng truyền thông, chạm vào được nhu cầu, sở thích, sự quan tâm của họ, nó sẽ có những quyền năng lớn hơn nhiều nhờ sự lan toả của cộng đồng. Nhưng để có được những nội dung như vậy, và thể hiện nó với thông điệp nhất quán trên tất cả các định dạng khác nhau, trên tất cả các kênh phù hợp, vào những thời điểm được tính toán cẩn thận, hướng đến những nhóm đối tượng chuẩn, thì điều doanh nghiệp cần là một chiến lược nội dung tổng thể.

Ông Joe Pulizzi, người sáng lập Học viện Tiếp thị nội dung của Mỹ nhìn nhận, “một chiến lược nội dung tốt sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong khi gia tăng hiệu quả. Không những thế, nó còn tạo ra những tài nguyên nội dung để doanh nghiệp từng bước xây dựng những kênh truyền thông riêng (own media) cho mình.”

Những cơ hội mới


Trong thời đại mà mạng xã hội đã trở nên thân quen với cả học sinh tiểu học, nhiều doanh nghiệp vẫn lệ thuộc vào những kênh truyền thông cũ, đang ngày càng trở nên bảo thủ, suy đồi, kém hiệu quả, mà không tính đến chuyện tạo dựng những kênh mới, nắm bắt các cơ hội mới.

Chưa bao giờ các kênh truyền thông riêng (own media) dễ tạo lập như lúc này.

Chỉ cần vài phút là có thể tạo ra hàng loạt các tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, mỗi mạng xã hội đều có thể là một kênh hiệu qủa để doanh nghiệp chủ động truyền tải thông điệp.

Facebook, Youtube, Pinterest… đang sát cánh cùng Instagram, Tumblr, Vine… và các website, blog, các OTT khác như Viber, Line, KakaoTalk… để bày sẵn vũ khí cho doanh nghiệp bước vào trận chiến truyền thông mới.

Thế nhưng truyền thông hiện nay chủ yếu vẫn đang chỉ tập trung vào những kênh báo chí, quảng cáo và sự kiện mà bỏ qua việc đầu tư vào các kênh own media quan trọng này.

Own media sẽ là kênh mà người tiêu dùng ngày càng chú trọng nhằm tìm hiểu và kiểm tra thông tin về sản phẩm và thương hiệu mà họ muốn sử dụng. Own media cũng là nơi doanh nghiệp thể hiện cá tính, độ tin cậy và tăng khả năng tương tác với công chúng.

“Own media là phương tiện lâu dài để doanh nghiệp không chỉ làm truyền thông mà còn chăm sóc khách hàng và xây dựng các cộng đồng quan tâm, yêu thích, ủng hộ, trung thành với mình. Điều đáng tiếc là không nhiều doanh nghiệp có những chiến lược nội dung nghiêm túc và thoả đáng cho nó,” ông Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nội dung Blue C nhận xét.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy, đang có những chuyển dịch khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp về hướng các kênh truyền thông riêng. Những doanh nghiệp nào nhanh nhạy nắm bắt xu thế này, và dùng nó để tối ưu hoá các chiến lược nội dung bài bản chắc chắn, có lẽ sẽ có nhiều cơ may hơn để chiến thắng trong cuộc chiến truyền thông khốc liệt.

Kỳ trước: Những sai lầm bạc tỷ

Nhiều sai lầm trong cách làm truyền thông khiến có những doanh nghiệp chẳng khác gì đang bỏ tiền chỉ để... tự sướng.