16:31 28/09/2023

Doanh nghiệp muốn đầu tư 2.000 tỷ phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhà máy bột - giấy tại Quảng Ngãi

Khởi Anh

Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2028, do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư, với quy mô dự kiến khoảng 20.500 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng...

Đa số các doanh nghiệp vẫn phải nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy
Đa số các doanh nghiệp vẫn phải nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vừa tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và UBND các địa phương để nghe và cho ý kiến đối với Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột- Giấy VNT19 và xử lý một số vướng mắc dự án Nhà máy Bột- Giấy VNT19.

Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2028, do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư, với quy mô dự kiến khoảng 20.500 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của Đề án là nhằm liên kết xây dựng phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, lập các loại chứng chỉ rừng bền vững và vận hành chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy; từng bước tích hợp mở rộng diện tích rừng liên kết phục vụ đủ nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy ở giai đoạn tiếp theo.

Theo đề xuất của chủ đầu tư, Công ty sẽ thực hiện hợp tác đầu tư xây dựng, hỗ trợ liên kết phát triển vùng nguyên liệu cùng chủ rừng, với quy mô khoảng 20.500 ha, trong phạm vi quy hoạch rừng trồng sản xuất, phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu theo Quy hoạch tỉnh, theo kế hoạch giai đoạn trong 5 năm (2023-2028), kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng đủ 6 tuổi trở lên, trong đó đạt tối thiểu 3.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Hàng năm, vận hành chuỗi liên kết khai thác, sơ chế, vận chuyển sản phẩm gỗ nguyên liệu, sản xuất thành phẩm bột- giấy, đáp ứng đầu ra khoảng 3.929 ha rừng trồng liên kết được đưa vào khai thác, chủ động cung ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy.

Hình thức liên kết là Công ty đầu tư vốn cùng hợp tác sản xuất, tạm ứng vốn để đặt hàng, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cho đối tác. Đối với chủ rừng, VNT19 đầu tư vốn để hợp tác trồng rừng, hoặc hỗ trợ chi phí để kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, hỗ trợ chi phí để xây dựng các loại chứng chỉ rừng bền vững, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng.

Trong đó, ưu tiên hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, chủ rừng có diện tích lớn và hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, VNT19 cũng sẽ ký kết hợp đồng hợp tác liên kết đặt hàng cung ứng dịch vụ ổn định và bền vững, hoặc góp vốn cùng sản xuất kinh doanh đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác rừng, chế biến và vận chuyển dăm gỗ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý các địa phương, nhất là các huyện miền núi phải chỉ đạo thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để phối hợp với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi liên kết. Sở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh về các định hướng tiêu chuẩn chung đối với việc phát triển chuỗi liên kết để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia trồng cây gỗ lớn, cây bản địa.

Đối với nhà đầu tư, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu VNT19 làm việc với các địa phương để thực hiện thí điểm liên kết trồng rừng nguyên liệu, hướng đến cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.